11 vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là những vấn đề sức khỏe thường xuất hiện trong vài tuần sau sinh. Nếu mẹ thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

Chướng bụng

Bụng trẻ sơ sinh thường căng tròn, đặc biệt sau khi bú no. Tuy nhiên, giữa các cữ ăn, bụng bé tương đối mềm. Nếu mẹ thấy bụng con phình to và ấn vào rất cứng, mẹ nên đưa bé đi khám. Ngoài ra, con bị nôn hoặc không đại tiện trong 1 - 2 ngày cũng là dấu hiệu cần chú ý. Những dấu hiệu này có thể cảnh báo tình trạng đầy hơi, táo bón hoặc nghiêm trọng hơn là bệnh lý viêm ruột, tắc ruột.

Chấn thương trong quá trình chuyển dạ

Bé có thể bị thương trong quá trình chuyển dạ, đặc biệt nếu mẹ chuyển dạ kéo dạ hoặc thai nhi nặng cân. Một trong những chấn thương phổ biến nhất là gãy xương đòn. Mẹ đừng lo lắng, xương đòn sẽ nhanh chóng liền lại sau vài tuần. Lúc này, một cục hoặc khối nhỏ sẽ xuất hiện ở vị trí xương gãy. Đây chính là dấu hiệu cho thấy xương đang lành lại.

Bên cạnh đó, liệt vận động cũng là một chấn thương phổ biến. Bé có thể liệt nửa mặt, một bên vai hoặc cánh tay. Nguyên nhân là do các dây thần kinh bị kéo căng trong quá trình chuyển dạ. Tin vui là chấn thương này sẽ hồi phục sau vài tuần. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách bồng bế và chăm sóc để hỗ trợ trẻ hồi phục tốt hơn.

Da bé có màu xanh tím

Đôi khi mẹ có thể quan sát thấy bàn tay và bàn chân của con có màu xanh hoặc tím. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường và có thể do con bị lạnh. Mẹ hãy đeo tất tay, tất chân và ủ ấm con. Ngoài ra, mặt, lưỡi, môi của bé có thể ngả sang màu xanh trong cơn khóc dữ dội. Nhưng sau khi nín khóc, da trẻ sẽ nhanh chóng hồng hào trở lại. Tuy nhiên, da màu xanh tím dai dẳng là dấu hiệu bất thường và có thể gợi ý bệnh lý tại tim hoặc phổi, khiến bé không có đủ oxy. Lúc này, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đại tiện bất thường

Chậm đi ngoài phân su. Phân su là chất cặn bã tích tụ trong đường ruột của thai nhi, có màu đen hoặc xanh đậm và rất nhớt dính. Bé sẽ đi ngoài phân su 1 - 2 lần trong vòng 24h sau sinh, nhưng cũng có thể muộn hơn. Nếu sau sinh 48h trẻ chưa đi ngoài phân su, mẹ nên báo với nhân viên y tế tại bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem hệ tiêu hóa của trẻ có bất thường gì không.

Phân có máu. Phân của trẻ sơ sinh có thể lẫn chút máu trong những ngày đầu sau sinh. Hiện tượng này là do hậu môn của bé có vết nứt nhỏ và không ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Mặc dù vậy, mẹ vẫn nên báo với bác sĩ để bác sĩ loại trừ những nguyên nhân nguy hiểm khác gây ra tình trạng đại tiện phân máu ở trẻ sơ sinh.

Ho

Khi bé vội vàng mút sữa hoặc bình ti chảy sữa quá nhanh, quá mạnh con có thể bị ho, sặc. Tin vui là tình trạng này sẽ sớm biến mất khi kỹ năng bú của con tốt hơn hoặc mẹ đổi bình ti phù hợp với con. Trong trường hợp con thường xuyên ho và nôn trớ khi bú, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa. Dấu hiệu này có thể gợi ý bệnh lý tại đường tiêu hóa hoặc hô hấp.

Khóc dai dẳng

Khóc là cách con thể hiện cảm xúc nhưng cũng có khi con khóc không rõ lý do. Nếu con đã ăn no, được vỗ ợ hơi, mặc bỉm sạch và quần áo ấm hoặc thoáng mát nhưng vẫn quấy khóc, mẹ có thể ôm con, đồng thời trò chuyện hoặc hát cho con nghe. Ngoài ra, quấn con trong tã hoặc chăn cũng là biện pháp dỗ trẻ nín khóc hiệu quả.

Những ngày đầu sau sinh, mẹ có thể không hiểu vì sao con khóc, nhưng dần dần mẹ sẽ khám phá ra nguyên nhân phía sau từng kiểu khóc của con. Nếu mẹ thấy tiếng khóc của con bất thường, giống như tiếng kêu đau đớn hoặc con khóc dai dẳng không thể dỗ nín, mẹ nên đưa con đi khám.

Chấn thương do dụng cụ hỗ trợ sinh

Trong những ca sinh khó, bác sĩ có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh như giác hút, kẹp forceps để giúp cuộc đẻ kết thúc “mẹ tròn con vuông”. Những dụng cụ này có thể gây trầy xước, bầm tím hoặc xuất hiện cục u sưng mềm trên mặt, đầu của bé. Mẹ không cần quá lo lắng, những tổn thương này sẽ lành lại và biến mất sau vài ngày tới vài tuần.

Vàng da

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh là do bilirubin tích tụ trong máu. Vàng da nhẹ có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh và hiện tượng này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu nồng độ bilirubin tăng cao và không được điều trị, não của bé có thể bị tổn thương. Trẻ bú mẹ không đủ cữ có xu hướng bị vàng da nhiều hơn. Vì vậy, nếu nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ nên cho con bú 8 - 12 lần mỗi ngày để vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng vừa duy trì nồng độ bilirubin ở ngưỡng thấp.

Vàng da thường xuất hiện đầu tiên ở mặt, sau đó lan xuống ngực, bụng và cuối cùng là tay, chân khi nồng độ bilirubin tăng rất cao. Trong một vài trường hợp, mắt của bé cũng chuyển sang màu vàng. Mẹ nên quan sát màu sắc da của trẻ hàng ngày để phát hiện sớm tình trạng vàng da và đưa con tới bệnh viện kịp thời.

Ngủ li bì

Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ nhưng trẻ vẫn thức giấc 2 - 3h/ lần để bú sữa. Nếu con ngủ li bì, không tỉnh giấc để ăn hoặc bú kém hơn mọi ngày, mẹ nên đưa bé đi khám ngay. Li bì là một trong những dấu hiệu báo động ở trẻ sơ sinh.

Suy hô hấp

Tiếng thở bất thường của trẻ sơ sinh có thể do mũi con bị nghẹt. Trong trường hợp này, mẹ có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi con, sau đó nhẹ nhàng hút đờm bằng bóng cao su hoặc vòi hút hai đầu. Tuy nhiên, nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, hãy đưa con tới bệnh viện ngay lập tức.

  • Thở nhanh trên 60 nhịp/ phút

  • Thở rên

  • Co kéo cơ liên sườn

  • Cánh mũi phập phồng

  • Da xanh tái kéo dài

Các vấn đề về rốn

Chảy máu cuống rốn. Mẹ đừng quá lo lắng nếu thấy một vài giọt máu từ cuống rốn của con dính vào bỉm hoặc băng rốn. Hiện tượng này không có gì bất thường. Nhưng nếu cuống rốn của con chảy máu nhiều, mẹ nên đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, các dấu hiệu bất thường ở rốn mà mẹ nên để ý là:

  • Cuống rốn chảy dịch vàng, có mùi hôi

  • Vùng da xung quanh rốn sưng đỏ

  • Trẻ khóc thét khi mẹ chạm vào cuống rốn hoặc vùng da xung quanh

U hạt rốn. Một vài nốt nhỏ có thể xuất hiện ở rốn sau khi cuống rốn đã khô và rụng. Những nốt này thường chảy ra ít dịch vàng và tự biến mất sau 1 tuần.

Thoát vị rốn. Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi ở vùng rốn. Hiện tượng này quan sát rõ nhất khi con khóc. Thông thường, thoát vị rốn sẽ biến mất sau 12 - 18 tháng. Mẹ không cần băng ép hay đặt đồng xu lên rốn của con vì những mẹo này không có tác dụng, thậm chí có thể gây tổn thương làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh.

Previous
Previous

Tiêm phòng cho bé yêu

Next
Next

Trẻ cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?