Trẻ cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?

Các bậc phụ huynh luôn đau đáu về giấc ngủ của con và mong con sớm ngủ trọn giấc ban đêm. Tin vui là dần dần em bé có thể ngủ xuyên đêm mà không cần tỉnh dậy giữa chừng nữa. Mẹ hãy yên tâm rằng giấc ngủ của con sẽ thay đổi và ổn định hơn theo từng giai đoạn phát triển.

Nếu mẹ thắc mắc thiên thần nhỏ cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày, liệu con đang ngủ đủ giấc hay quá nhiều so với tiêu chuẩn, hãy cùng Matida tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng là đủ giấc?

Số giờ ngủ trong ngày của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và một vài yếu tố quan trọng khác. Mẹ có thể tham khảo số giờ ngủ khuyến nghị trong năm đầu đời của con dưới đây.

  • Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi. Trong độ tuổi này, tổng số giờ ngủ của bé là 14 - 17 tiếng một ngày. Bé thường ngủ ngắn, từ 2 - 4 tiếng/ giấc, sau đó thức dậy để bú sữa, ợ hơi, thay bỉm và chơi đùa. Mỗi đêm, bé có thể ngủ ngắt quãng từ 8 - 12 tiếng. Thời gian ngủ còn lại được chia thành 2 - 5 giấc ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên, lịch trình này có thể thay đổi ở từng bé.

  • Từ 4 đến 6 tháng tuổi. Con thường ngủ 12 - 16 tiếng mỗi ngày. Bé có thể ngủ liên tục suốt đêm trong 5 - 6 tiếng và ngủ ít hơn vào ban ngày. Điều này chứng tỏ con bắt đầu hòa nhập với nhịp sinh hoạt của gia đình. Mặt khác, các giấc ngủ ngắn trong ngày của con cũng dần ổn định hơn. Ví dụ, trẻ 5 tháng tuổi ngủ khoảng 3 giấc mỗi ngày.

  • Từ 7 đến 11 tháng tuổi. Bé vẫn ngủ 12 - 16 tiếng/ ngày, nhưng mỗi đêm có thể ngủ liên tục 10 - 12 tiếng. Số lượng giấc ngủ ngắn trong ngày cũng giảm bớt, từ 3 giấc còn 2 giấc.

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:

  • Sinh non. Số giờ ngủ và cữ ngủ của trẻ sinh non nhiều hơn so với trẻ đủ tháng. Trẻ sinh non có thể ngủ 22 tiếng mỗi ngày, tùy theo mức độ non tháng. Trẻ cũng ngủ giấc ngắn hơn và thức dậy nhiều lần hơn để bú sữa. Nếu như trẻ đủ tháng có thể ngủ liên tục 6 tiếng vào ban đêm tại thời điểm 4 - 6 tháng tuổi thì trẻ non tháng cần 10 - 12 tháng để thiết lập được nếp ngủ này.

  • Phương pháp nuôi dưỡng. Trẻ bú bình có xu hướng thức dậy ít hơn vào ban đêm và ngủ giấc dài hơn so với trẻ bú mẹ. Nguyên nhân là do sữa công thức được tiêu hóa chậm hơn. Tuy nhiên, mẹ đừng nhầm lẫn rằng sữa công thức giúp trẻ ngủ tốt hơn, vì trẻ bú mẹ hay bú bình đều có tổng số giờ ngủ tương tự nhau. Khi được 9 tháng tuổi, sự khác biệt về giấc ngủ giữa trẻ bú mẹ và bú bình sẽ biến mất.

Mẹ không nên luyện ngủ cho con trong 2 tháng đầu sau sinh. Đây là khoảng thời gian con thường xuyên tỉnh giấc để bú sữa. Vì vậy, để xây dựng nếp ngủ thành công cho con, thời điểm bắt đầu tốt nhất là 3 - 6 tháng tuổi.

Mẹ cần đảm bảo bé có giấc ngủ an toàn để giảm thiểu nguy cơ đột tử sơ sinh (SIDS - Sudden Infant Death Syndrome). Đừng đặt bé nằm sấp, thay vào đó hãy cho con nằm ngửa khi ngủ, dù là ngủ xuyên đêm hay giấc ngủ ngắn ban ngày. Mẹ cũng nên lựa chọn đệm cứng, phẳng và xếp gọn chăn, gối, thú bông trên giường, nôi, cũi để bé không bị ngạt thở khi ngủ.

Khi bước sang tháng thứ 4, bé có thể lăn người sang trái, sang phải và lật người từ tư thế nằm ngửa sang nằm sấp. Đến 9 tháng tuổi, bé có thể chuyển từ tư thế nằm sang ngồi. Lúc này, mẹ không cần điều chỉnh con về tư thế nằm ngửa, nhưng hãy luôn đặt con trong tư thế an toàn này khi bắt đầu giấc ngủ nhé!

Có phải trẻ sơ sinh ngủ càng nhiều càng tốt?

Trẻ sơ sinh có thể ngủ rất nhiều nhưng các chuyên gia không khuyến khích bố mẹ cho trẻ ngủ thỏa thích. Ở độ tuổi này, bé cần bú ít nhất 8 - 12 lần/ ngày. Vì vậy, nếu ngủ nhiều hơn 17 tiếng, bé sẽ bỏ cữ bú và dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.

Trong tuần đầu sau sinh, mẹ hãy nhẹ nhàng đánh thức bé nếu bé ngủ liên tục hơn 4 tiếng. Lưu ý rằng, nếu bé ngủ quá nhiều và không bú đủ 8 cữ mỗi ngày, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.

Nếu em bé không ngủ đủ giấc thì sao?

Trong một vài trường hợp, trẻ có thể ngủ quá ít và không đạt đủ số ngủ cần thiết cho độ tuổi của con. Nếu thời gian ngủ của con ít hơn so với giấc ngủ tiêu chuẩn, hoặc con quấy khóc dai dẳng, khó vào giấc, ngủ chập chờn, mẹ đừng ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Ngoài ra, mẹ nên quan sát và phát hiện dấu hiệu buồn ngủ của bé. Tập cho bé thói quen ngủ vào những khung giờ nhất định trong ngày cũng là một mẹo hay để giúp con ngủ ngon hơn.

Trong những tháng đầu tiên, nhiều mẹ cảm thấy mệt mỏi vì phải tỉnh giấc nhiều lần giữa đêm để chăm sóc con. Nhưng mẹ hãy kiên nhẫn nhé, vì sớm thôi, giấc ngủ của con con sẽ ổn định hơn. Khi đó, mẹ sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn.

Previous
Previous

11 vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh

Next
Next

Các hoạt động giúp trẻ sơ sinh vừa chơi đùa vừa phát triển