Tiêm phòng cho bé yêu

Vì sao nên tiêm phòng cho con?

Vắc-xin giúp bé chuẩn bị hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh vì sức đề kháng của con còn non nớt. Mặt khác, tiêm phòng không chỉ bảo vệ con yêu mà còn tránh lan truyền bệnh cho các bé khác.

Có thể mẹ đang thắc mắc rằng bạch hầu, bại liệt là bệnh gì, có thấy ai mắc đâu mà tất cả trẻ em đều được tiêm phòng. Sự thật là những căn bệnh này đã giết chết hàng ngàn trẻ em trong quá khứ. Nhưng nhờ có vắc-xin mà tỉ lệ mắc bệnh hiện nay đã giảm xuống rất thấp.

Bé cần tiêm những mũi vắc-xin nào?

Trong 2 năm đầu đời, con cần tiêm nhiều mũi vắc-xin khác nhau. Dưới đây là lịch tiêm chủng của bé.

  • Vắc-xin 6 trong 1 bao gồm Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Hib, Viêm gan B.

  • Vắc-xin giúp con phòng tránh những bệnh nào?

  • Lao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Bệnh này không chỉ gây tổn thương phổi mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trên cơ thể.

  • Viêm gan B. Là bệnh do virus viêm gan B gây ra, có thể dẫn đến tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan trong tương lai.

  • Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến dây thần kinh và cơ bắp của con.

  • Bạch hầu. Khi mắc bệnh này, con có thể bị sốt, đau họng, thậm chí khó thở, suy hô hấp.

  • Ho gà dễ lây lan và rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Trẻ mắc ho gà sẽ xuất hiện những cơn ho dữ dội, thậm chí suy hô hấp và ngừng thở.

  • Bại liệt là bệnh do vi-rút gây ra. Vi-rút này lây nhiễm vào não và tủy sống, sau đó dẫn tới liệt vận động, thậm chí tử vong.

  • Nhiễm trùng do Haemophilus influenzae týp b (còn gọi là Hib). Đây là một loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não, viêm phổi và nhiều bệnh nhiễm trùng khác cho bé.

  • Cúm. Khi mắc cúm, trẻ thường sốt cao, ớn lạnh, ho, đau họng, nhức mỏi toàn thân, nôn mửa và tiêu chảy.

  • Sởi là bệnh dễ lây lan và có thể gây phát ban, ho, sốt ở trẻ.

  • Rubella (còn gọi là sởi Đức) là một bệnh nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm nhẹ và phát ban.

  • Quai bị có thể gây sốt, nhức đầu và sưng hạch ở mặt và cổ. Một biến chứng nghiêm trọng của quai bị ở trẻ trai là teo tinh hoàn, dẫn đến vô sinh.

  • Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và vô cùng nguy hiểm. Bệnh ảnh hưởng tới não bộ của trẻ và có thể gây tử vong trong vòng 24h.

  • Nhiễm trùng do Phế cầu bao gồm viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.

  • Tiêu chảy do Rotavirus có biểu hiện nôn, đi ngoài phân lỏng, sốt và đau bụng. Khi diễn biến nặng, trẻ có thể bị mất nước và tử vong.

  • Thủy đậu dễ lây lan từ người này sang người khác, ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp. Trẻ thường có biểu hiện: ngứa da, phát ban, sốt.

Con có cần tiêm vắc-xin COVID-19 không?

Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Với lứa tuổi nhỏ hơn, hiện chưa có khuyến cáo cụ thể.

Trẻ nào sẽ tiêm chủng khác với lịch trên?

Lịch tiêm chủng của con sẽ khác so với lịch tiêm chủng mở rộng nếu con có bệnh lý tim mạch, ung thư, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc nhiễm HIV. Ngoài ra, nếu có dịch bệnh bùng phát tại địa phương, lịch tiêm chủng cũng có thể thay đổi.

Trẻ sinh non và nhẹ cân vẫn cần được tiêm vắc-xin. Thậm chí, tiêm phòng đóng vai trò cực kỳ quan trọng với nhóm trẻ này vì nguy cơ nhiễm bệnh của con cao hơn so với trẻ đủ tháng, đủ cân. Lịch tiêm phòng của trẻ sinh non và nhẹ cân phụ thuộc vào tuổi thai và cân nặng lúc sinh của con. Vì vậy, mẹ nên trao đổi với bác sĩ để ghi nhớ thời điểm cần đưa con đi tiêm vắc-xin.

Tiêm vắc-xin có rủi ro hay phản ứng xấu nào không?

Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sốt nhẹ, ăn ít, đau và sưng đỏ tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, hầu hết những phản ứng này đều nhẹ và tự hết sau vài ngày.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng do vắc-xin (chẳng hạn như phát ban hoặc khó thở) rất hiếm gặp, chỉ có 1 trên 1 triệu ca. Phản ứng này có thể xảy ra sau khi tiêm vài phút hoặc vài giờ. Nếu bé có một trong những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay lập tức.

  • Khó thở, thở rít

  • Mặt sưng vù

  • Nổi mề đay

  • Sốt, li bì, bỏ ăn (ở trẻ sơ sinh)

Mệt lả, chóng mặt, tim đập nhanh (ở trẻ lớn hơn)

Với hầu hết trẻ em, lợi ích bảo vệ của vắc-xin lớn hơn so với những tác dụng không mong muốn. Vì thế, mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Nếu băn khoăn về các rủi ro của vắc-xin, mẹ hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.

Tiêm phòng có dẫn đến tự kỷ không?

Không. Tiêm phòng không phải là nguyên nhân và cũng không phải là yếu tố nguy cơ đến rối loạn phổ tự kỷ.

Vì sao bé cần tiêm một loại vắc-xin nhiều lần?

Với vắc-xin 6 trong 1, bé cần tiêm nhiều lần để kích thích cơ thể sản xuất đủ kháng thể. Có như vậy hệ miễn dịch của trẻ mới hoạt động tốt và chống đỡ được với bệnh tật. Ngoài ra, khả năng đề kháng của bé sẽ giảm dần sau vài năm tiêm phòng. Vì vậy, con cần tiêm nhắc lại để củng cố hệ miễn dịch. Bé cũng nên được tiêm vắc-xin cúm hàng năm vì vi-rút này liên tục biến đổi. Vắc-xin cúm mà năm ngoái con tiêm không còn tác dụng bảo vệ trước bệnh cúm năm nay.

Tiêm nhiều mũi vắc-xin trong một lần có gây hại cho con không?

Trong mỗi lần tiêm phòng, bé có thể được tiêm nhiều mũi vắc-xin khác nhau. Điều này không gây hại cho sức khỏe của bé và cũng không khiến bé mệt hơn sau khi tiêm. Tất cả các loại vắc-xin đã được chứng minh là an toàn, dù là tiêm riêng lẻ hay kết hợp.

Previous
Previous

Sự phát triển của thai nhi tuần 27

Next
Next

11 vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh