Các hoạt động giúp trẻ sơ sinh vừa chơi đùa vừa phát triển

Mẹ có thể chơi đùa với con ngay từ những ngày đầu sau sinh. Đúng vậy, mẹ không nghe nhầm đâu! Những khoảnh khắc quý giá giữa giấc ngủ và bữa ăn là thời điểm hoàn hảo để mẹ biến việc chơi đùa thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của con.

Theo các chuyên gia, chơi đùa cũng quan trọng như ăn và ngủ. Mặc dù trẻ sơ sinh chưa thể chơi ú òa hay cầm nắm được đồ chơi, những hoạt động chơi đùa phù hợp vẫn giúp trẻ khám phá và tương tác với thế giới xung quanh. Mỉm cười với ông bà, bố mẹ cũng là một trò chơi của con. Khi mẹ nhận ra những hành động nhỏ này, hãy tương tác với con để giúp con có trải nghiệm phong phú hơn.

Trẻ sơ sinh đang hình thành và phát triển những kỹ năng nào?

Mỉm cười đáp lại bố mẹ, vẫy tay chào tạm biệt là những mốc phát triển của trẻ. Những dấu mốc này giúp bác sĩ nhi khoa và bố mẹ theo dõi sự phát triển của con trên 4 khía cạnh: xã hội và cảm xúc, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, kỹ năng vận động thô và tinh.

Tuy nhiên, bố mẹ nên lưu ý rằng, trẻ nhỏ có tốc độ phát triển không giống nhau. Những cột mốc này không phải là lịch trình phát triển nghiêm ngặt mà con phải tuân theo. Nếu có bất kỳ băn khoăn hay lo lắng nào, mẹ nên trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích.

Nhìn chung, trong 3 tháng đầu đời, con có thể đạt được những mốc phát triển sau:

Kỹ năng xã hội và cảm xúc:

  • Giao tiếp bằng mắt trong giây lát

  • Bình tĩnh khi được nhấc bổng lên

  • Biết mỉm cười với mọi người

  • Biết nhìn theo cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ

Kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp:

  • Ê a

  • Quay đầu về phía có tiếng động

  • Kỹ năng nhận thức

  • Quan sát và nhìn ngắm chăm chú đồ vật hoặc mọi người xung quanh

  • Biết biểu hiện cảm xúc buồn chán bằng cách nhăn mặt, quấy khóc

Kỹ năng vận động thô và tinh:

  • Ngẩng đầu lên khi dựa vào tay mẹ

  • Nắm và xòe bàn tay

  • Chống hai tay lên khi nằm sấp giống như thực hiện động tác chống đẩy

  • Các hoạt động tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh

Chơi đùa với một em bé mới sinh không hề khó như mẹ nghĩ. Có rất nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của con. Matida sẽ gợi ý cho mẹ nhiều hoạt động thú vị dưới đây.

Nằm sấp (Tummy Time)

Mẹ có thể đặt em bé nằm sấp khi thức để giúp cơ cổ, vai của con phát triển cũng như thúc đẩy các kỹ năng vận động cao cấp hơn như trườn, ngồi, bò, đi. Tuy nhiên, cần đảm bảo con tỉnh táo trong thời gian nằm sấp. Có như vậy, hoạt động này mới hiệu quả. Mẹ hãy nhớ rằng: nằm ngửa khi ngủ, nằm sấp khi chơi.

Ngay sau khi được xuất viện về nhà, mẹ có thể bắt đầu cho con tập nằm sấp trên giường hoặc thảm. Mới đầu, hãy đặt bé nằm sấp 2 - 3 lần trong ngày, mỗi lần từ 3 - 5 phút. Khi bé lớn hơn, mẹ có thể tăng dần thời gian nằm sấp trong mỗi lần. Để tránh lãng quên hoạt động này, mẹ có thể đặt con nằm sấp khi bé thức dậy hoặc sau khi thay tã.

Trong thời gian đầu, nhiều bé không thích nằm sấp. Mẹ hãy đặt đồ chơi nhiều màu sắc xung quanh con để kích thích trí tò mò của con. Sau dần, con sẽ biết cách ngẩng đầu lên để nhìn ngắm đồ vật xung quanh cũng như nhận biết được hình dạng của đồ vật.

Đặt con nằm ở nhiều vị trí khác nhau

Bên cạnh nằm sấp, mẹ cũng nên đặt con nằm ở nhiều vị trí khác nhau khi con thức. Hoạt động này giúp bé quan sát thế giới xung quanh từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó thúc đẩy phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội cho con. Mẹ có thể thay đổi hướng nằm của con hoặc bế bé đi dạo xung quanh nhà.

Cười đáp lại con

Khi được 6 - 8 tuần tuổi, bé thường xuyên mỉm cười. Lúc này, mẹ nên nhìn con âu yếm và mỉm cười đáp lại. Hoạt động này giúp bé phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc quan trọng. Con hiểu rằng khi con mỉm cười với mẹ, mẹ sẽ chú ý và ôm ấp, vỗ về con.

Bắt chước âm thanh ê a của bé

Khi bé được 3 tháng tuổi, ngoài tiếng khóc, mẹ có thể nghe được âm thanh ê a từ con. Lúc này, mẹ nên cổ vũ con ê a nhiều hơn để phát triển kỹ năng xã hội, khả năng biểu đạt lời nói và lắng nghe trong tương lai.

Mỗi khi bé ê a, mẹ hãy bắt chước âm thanh đó, rồi chờ con đáp lại bằng chuỗi âm thanh khác. Cách trò chuyện này sẽ thúc đẩy khả năng kiểm soát giọng nói của bé, cũng như đặt nền tảng cho kết nối thân mật giữa hai mẹ con. Ngoài ra, khả năng ngôn ngữ của con cũng được cải thiện thông qua hoạt động này.

Thử chơi múa rối với con

Mẹ có thể chơi múa rối với con để giúp con tăng cường khả năng quan sát. Hoạt động này khá đơn giản, mẹ chỉ cần đeo một con rối lên tay, vừa di chuyển con rối lên xuống vừa gọi tên bé, rồi tiếp tục di chuyển con rối theo vòng tròn. Sau này, mẹ có thể tăng độ khó của trò chơi bằng cách thực hiện các chuyển động phức tạp hơn.

Nếu không có sẵn con rối nào tại nhà, mẹ có thể tự sáng tạo từ những chiếc tất cũ. Hãy thỏa sức kết hợp các đồ vật có màu sắc, hình dáng khác nhau cục bông, lông vũ, cúc áo hoặc dùng bút màu tô vẽ để tạo ra những con rối đáng yêu.

Cùng con khám phá ngôi nhà thân yêu

Hãy bế bé đi từ phòng này sang phòng khác, từ trong nhà ra ngoài sân để con trải nghiệm những chuyển động mới và nhìn ngắm mọi thứ xung quanh từ nhiều góc độ khác nhau. Mẹ cũng có thể bế con ở nhiều tư thế khác nhau: bế vác trên vai, ẵm ngửa hoặc cho con ngồi trên cánh tay của mẹ và lưng con áp vào bụng mẹ.

Thúc đẩy bé phát triển thị lực

Thị lực của trẻ sơ sinh phát triển từng ngày. Khi được 3 tháng tuổi, con có thể quan sát tốt các đồ vật xung quanh. Hãy hỗ trợ bé phát triển giác quan này bằng cách cho con xem nhiều đồ vật thú vị, chẳng hạn như:

Những món đồ có màu sắc rực rỡ: Những màu sắc tương phản, sắc nét sẽ hấp dẫn bé hơn là tông màu nhạt. Vì thế, mẹ nên lựa chọn đồ chơi có màu sắc rực rỡ, tươi tắn. Mẹ hoàn toàn có thể tự sáng tạo những món đồ chơi này, chẳng hạn vẽ một bức tranh đơn giản, hay cắt giấy màu và treo gần giường bé.

  • Gương. Trẻ nhỏ rất thích nhìn ngắm những hình ảnh phản chiếu trong gương, mặc dù chưa nhận ra bản thân. Mẹ hãy lựa chọn những chiếc gương bằng nhựa hoặc được bọc vải để con tự do khám phá thế giới mới lạ này nhé!

  • Điện thoại di động. Cho con xem những đoạn phim hoạt hình trên điện thoại cũng là một hoạt động thú vị. Hãy đặt điện thoại cao hơn mặt bé 15 - 30cm và lệch sang phải vì đa số trẻ sơ sinh có xu hướng nhìn sang bên phải nhiều hơn.

  • Khuôn mặt của mọi người xung quanh: Trẻ nhỏ thích nhìn ngắm khuôn mặt của mọi người xung quanh, dù là người thật hay nhân vật trong tranh ảnh. Vì vậy, mẹ nên thường xuyên cho bé nhìn thấy gương mặt của bố mẹ, ông bà, anh chị, hoặc cho bé xem album ảnh của gia đình. Chắc chắn con sẽ thích thú lắm đấy!

  • Sách truyện. Trẻ sơ sinh không cần sách truyện có nội dung phức tạp. Sách giấy hoặc sách vải với nhiều hình ảnh, màu sắc là lựa chọn phù hợp với con. Ở giai đoạn này, mẹ sẽ thấy bé chủ yếu nhai cắn và vò xé trang sách, nhưng cũng có khi con liếc nhìn những hình ảnh thú vị trong sách đấy.

    Bất kỳ hoạt động tương tác nào với con, từ đơn giản như bế con trên tay, lắc lư hay mỉm cười với con, đến những hoạt động phức tạp như đọc sách cho con nghe, chơi múa rối với con, đều tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Do đó, mẹ không cần mua cho con thật nhiều đồ chơi mới, quần áo đẹp hay những quyển sách đắt tiền. Hãy nhớ rằng điều quan trọng là con yêu thích và nhiệt tình tham gia những hoạt động này.

Previous
Previous

Trẻ cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?

Next
Next

Theo dõi sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi