Trầm cảm sau sinh: Cách nhận biết sớm, phòng ngừa và điều trị

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh (PPD - Postpartum Depression) là tình trạng người mẹ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi thể chất và hành vi sau khi sinh con. Theo hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-5), trầm cảm sau sinh là một dạng trầm cảm nặng, xuất hiện trong vòng 4 tuần kể từ khi em bé chào đời. Điều này có nghĩa là để khẳng định mẹ có mắc chứng trầm cảm sau sinh hay không cần dựa vào 2 tiêu chí: mức độ và thời gian xuất hiện rối loạn. 


Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh liên quan đến sự thay đổi của mẹ sau khi sinh em bé, bao gồm biến đổi hóc-môn, tâm lý và thu hẹp kết nối xã hội. Chứng bệnh này không chỉ mô tả cảm xúc mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng mà còn bao gồm nhiều thay đổi thể chất ở phụ nữ sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể chữa khỏi bằng tư vấn tâm lý và dùng thuốc. 

Trong thai kỳ, nồng độ hóc-môn sinh dục nữ như estrogen và progesterone tăng gấp 10 lần so với phụ nữ không mang thai. Sau khi em bé chào đời, các hóc-môn này sụt giảm nhanh chóng và trở lại ngưỡng bình thường vào khoảng ngày thứ 3 sau sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng sự biến đổi đột ngột của hóc-môn có thể liên quan tới trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, tới nay mối liên hệ này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Ngoài sự biến động của hóc-môn, những thay đổi về tâm lý và kết nối xã hội cũng tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.

Phân biệt Trầm cảm sau sinh và “Baby blues”

50 - 80% phụ nữ sau sinh đều trải qua "Baby blues". Tình trạng này mô tả tâm trạng thất thường của người mẹ, buồn bã, căng thẳng, dễ mất tập trung, hoặc khó đi vào giấc ngủ dù cho cơ thể mệt mỏi. Khác với trầm cảm sau sinh, baby blues chỉ diễn ra dưới 2 tuần sau sinh, sau đó sẽ biến mất và không cần điều trị. Tuy nhiên, khoảng 10% phụ nữ trong số này sẽ tiếp tục bị rối loạn cảm xúc và tiến triển thành trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, cứ 1 trong 1.000 phụ nữ sau sinh có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần nghiêm trọng sau sinh.

Mặc dù không trực tiếp sinh con nhưng các ông bố vẫn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Trong năm đầu đời của con, cứ 10 ông bố thì có 1 người được chẩn đoán trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh

Không dễ dàng để nhận ra trầm cảm sau sinh vì những dấu hiệu cảnh báo chứng bệnh này rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Đó là: 

  • Mất ngủ

  • Chán ăn

  • Mệt mỏi

  • Giảm ham muốn tình dục 

  • Cảm xúc thất thường

Với trầm cảm sau sinh, những biểu hiện này thường xuất hiện cùng các dấu hiệu nặng và bất thường như:

  • Không quan tâm đến em bé hoặc cảm thấy xa lạ, thiếu gắn kết với con

  • Thường xuyên khóc không rõ lý do

  • Tâm trạng chán nản

  • Cáu kỉnh, cực kỳ tức giận 

  • Cảm thấy cuộc sống buồn chán, không còn niềm vui

  • Cảm thấy bất lực, tuyệt vọng và cho rằng bản thân vô dụng 

  • Có suy nghĩ về cái chết, tự tử hoặc gây tổn thương mọi người xung quanh

  • Giảm khả năng tập trung và ra quyết định

Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mẹ nên đi khám khi:

  • Các triệu chứng trên kéo dài hơn 2 tuần

  • Mẹ không thể sinh hoạt bình thường như trước đây

  • Mẹ không thể xử lý các tình huống đơn giản hàng ngày

  • Mẹ có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé

  • Mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn suốt cả ngày

Nguyên nhân và các yếu tố gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh

Trước tiên, mẹ cần hiểu rằng, trầm cảm sau sinh không phải do mẹ bất cẩn hay làm sai điều gì. Các chuyên gia cho rằng không có nguyên nhân đơn lẻ và rõ ràng nào gây ra trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được chứng minh là có liên quan tới chứng bệnh này. Đó là:

  • Sự sụt giảm nhanh chóng của estrogen và progesterone sau sinh. Ngoài ra, hóc-môn tuyến giáp cũng biến động, khiến mẹ cảm thấy uể oải, mệt mỏi và chán nản. 

  • Thiếu ngủ. Khi bạn ngủ không đủ và không ngon giấc, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái lờ đờ, kém tập trung và không thể giải quyết hiệu quả các tình huống hàng ngày. 

  • Tâm trạng lo lắng. Nhiều bà mẹ thường lo sợ về việc mình không biết cách chăm sóc con hoặc chăm con quá vụng về. 

  • Hình ảnh bản thân. Sau khi sinh, mẹ có thể cảm thấy bản thân kém hấp dẫn, tự ti và dường như không còn là mình giống trước đây. 

Ngoài ra, có nhiều yếu tố có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Mỗi người mẹ sẽ có một hoặc nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể là:

  • Mẹ từng bị trầm cảm trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ

  • Tuổi càng trẻ, nguy cơ trầm cảm sau sinh càng cao

  • Chưa sẵn sàng tâm lý trước khi mang thai

  • Số lượng con càng nhiều, nguy cơ trầm cảm sau sinh trong lần mang thai tiếp theo càng cao

  • Gia đình có người mắc chứng rối loạn cảm xúc

  • Mẹ bị căng thẳng tinh thần do mất việc, mất người thân hoặc sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng nặng nề sau sinh

  • Em bé có bệnh lý hoặc nhu cầu đặc biệt

  • Sinh đôi hoặc sinh ba

  • Từng bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD - Premenstrual Dysphoric Disorder)

  • Ít hoặc không có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, nhân viên y tế hoặc cộng đồng

  • Sống một mình

  • Xung đột vợ chồng


Điều trị trầm cảm sau sinh

Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh rất đa dạng, bao gồm: sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý - hành vi, tham gia các nhóm hỗ trợ. Tùy theo triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định phương án điều trị phù hợp.

Nếu mẹ đang cho con bú, đừng quá lo lắng. Nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần vẫn an toàn với em bé khi sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể và lựa chọn phương án điều trị tốt nhất.

 Hậu quả của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng tới mẹ, mà còn gây hại cho con và người bố. 

  • Với mẹ. Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm, thậm chí chuyển thành rối loạn trầm cảm mãn tính. Trong trường hợp được điều trị, trầm cảm sau sinh vẫn khiến mẹ dễ mắc trầm cảm hơn trong tương lai. Đây chính là lý do phòng ngừa chứng bệnh này đặc biệt quan trọng và cần thiết.

  • Với em bé. Con của bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh thường quấy khóc, khó ngủ, biếng ăn và chậm phát triển ngôn ngữ.

  • Với bố. Khi trầm cảm sau sinh xảy ra ở người mẹ, nguy cơ các ông bố mắc chứng bệnh này cũng tăng lên. 

Phòng tránh trầm cảm sau sinh

Matida hiểu rằng giai đoạn sau sinh không hề dễ dàng với các bà mẹ. Vì lẽ đó, chúng tôi gợi ý một vài mẹo hữu ích dưới đây để mẹ có thể vừa chăm con, vừa hồi phục cơ thể cũng như hạn chế tối đa nguy cơ trầm cảm sau sinh.

  • Thay vì “tự lực cánh sinh”, mẹ hãy nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Mẹ có thể trò chuyện và bày tỏ mong muốn được giúp đỡ trước khi em bé chào đời. Nhờ đó, người thân và bạn bè của bạn biết được rằng họ có thể trợ giúp mẹ như thế nào.

  • Tham gia các lớp học tiền sản để đỡ bỡ ngỡ khi chăm sóc em bé.

  • Duy trì chế độ ăn cân bằng, lành mạnh.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc đi bộ quanh phòng giúp cơ thể mẹ phục hồi nhanh hơn, đồng thời cải thiện giấc ngủ, duy trì tinh thần tích cực.

  • Kiêng rượu bia và các đồ uống chứa caffein như trà, cà phê, nước tăng lực.

  • Giới hạn khách tới thăm em bé trong những ngày đầu sau sinh để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi và hạn chế lây nhiễm bệnh cho con.

  • Tranh thủ ngủ và nghỉ ngơi khi em bé ngủ.

  • Mở cửa sổ hoặc tranh thủ vài phút ra ban công để hít thở không khí trong lành. Thiên nhiên cũng có tác dụng chữa lành tinh thần cho mẹ.

  • Hiểu rằng hành trình làm mẹ là chuỗi ngày buồn vui đan xen. Có những hôm bạn vui mừng khi con bú tốt. Nhưng cũng có những ngày bạn mệt mỏi, lo lắng vì bé quấy khóc quá nhiều. Dẫu vậy, hãy luôn động viên bản thân rằng bạn không phải người mẹ tồi tệ hay vụng về. Làm mẹ là hành trình học hỏi suốt đời và chắc chắn ngày mai bạn sẽ làm tốt hơn hôm nay.

Nếu bạn từng mắc chứng trầm cảm trước đây, hãy thông báo với bác sĩ ngay khi dự định có con hoặc que thử thai hiện hai vạch. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ. Mẹ bầu có thể được tư vấn tâm lý, sử dụng các liệu pháp tâm lý - hành vi hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để kiểm soát trầm cảm mức độ nhẹ. Một số loại thuốc do bác sĩ kê đơn cũng an toàn với thai nhi. Sau sinh, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra sức khỏe của mẹ để phát hiện kịp thời biểu hiện trầm cảm. Từ đó, điều trị sớm nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả của chứng bệnh này với bạn và cả gia đình.

Trầm cảm sau sinh không hề hiếm gặp. Rối loạn này không phải là lỗi của bạn và không khiến bạn trở thành người mẹ tồi. Nếu bạn nghĩ mình mắc chứng trầm cảm sau sinh, đừng sợ hãi hay xấu hổ, hãy cởi mở trò chuyện với các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ tư vấn và cùng mẹ quản lý thật tốt chứng bệnh này. Cuối cùng, hãy nhớ rằng, bạn không hề đơn độc. Cộng đồng Matida của chúng tôi luôn ở đây và sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ bạn. Cùng theo dõi các bài viết, podcast và video của chúng tôi hàng ngày để tự tin hơn trên hành trình làm mẹ, bạn nhé!


Previous
Previous

Mẹ cẩn trọng với cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai và cho con bú

Next
Next

Bệnh tiểu đường thai kỳ - Mẹ cần biết điều gì?