Bệnh tiểu đường thai kỳ - Mẹ cần biết điều gì?

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện vào ba tháng giữa thai kỳ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy bác sĩ thường sàng lọc định kỳ tiểu đường thai kỳ ở thời điểm từ tuần 24 đến tuần 28 (hoặc sớm hơn vào 3 tháng đầu nếu mẹ có yếu tố nguy cơ). 

Nếu được theo dõi và điều trị sớm, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ và bé. Mẹ không cần quá lo lắng và đọc để tìm hiểu thêm cùng Matida nha.

1.Bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ diễn ra trong thời kỳ mang thai ở những phụ nữ trước đó chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của sản phụ tăng cao khi mang thai. 

Có hai loại bệnh tiểu đường thai kỳ. 

  • Loại A1: có thể điều trị thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục. 

  • Loại A2: cần điều trị bằng insulin hoặc các loại thuốc khác.

Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi sinh con, nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sau này. 

2.Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ

Thông thường, bệnh tiểu đường thai kỳ không gây ra triệu chứng hoặc biểu hiện đáng chú ý nào. Vì vậy, mẹ nên đi khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. 

Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể nhận thấy một số dấu hiệu như sau:

  • Khát nước hơn bình thường

  • Dễ đói hơn và ăn nhiều hơn bình thường

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường

3.Nguyên nhân bệnh tiểu đường thai kỳ

Khi ăn, tuyến tụy tiết ra insulin, một loại hormone giúp đưa glucose từ máu đến các tế bào, tế bào sẽ sử dụng đường để tạo năng lượng.

Khi mang thai, nhau thai tạo ra các hormone khiến glucose tích tụ trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể sản xuất đủ insulin để xử lý lượng glucose tích tụ trong máu. Nhưng nếu cơ thể không thể tạo ra đủ insulin hoặc sử dụng insulin như bình thường, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và mẹ có thể sẽ bị tiểu đường thai kỳ.

4.Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn nếu:

  • Thừa cân. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nếu chỉ số cơ thể BMI từ 30 trở lên (một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất).

  • Lớn hơn 25 tuổi. Phụ nữ trên 25 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và nguy cơ càng tăng lên khi tuổi càng cao.

  • Tiền sử sức khỏe gia đình hoặc cá nhân. Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ mắc hơn nếu đã mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước, hoặc trong gia đình có người mắc, đặc biệt là người thân thiết gần như cha mẹ hoặc anh chị em.

5.Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra vào nửa sau của thai kỳ. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sàng lọc trong khoảng từ tuần 24 đến 28 hoặc sớm hơn trong trường hợp có nguy cơ cao.

Kiểm tra dung nạp glucose: Mẹ sẽ uống một loại dung dịch ngọt có chứa 50 gram hoặc 75 gram glucose, làm tăng lượng đường trong máu. Một giờ sau, xét nghiệm đường huyết được thực hiện để xem cơ thể xử lý lượng đường đó như thế nào. Nếu kết quả cho thấy lượng đường trong máu cao, bác sĩ sẽ yêu cầu thử nghiệm dung nạp glucose đường uống trong 3 giờ. 

Nếu mẹ có nguy cơ cao nhưng kết quả xét nghiệm bình thường, bác sĩ có thể xét nghiệm lại sau này trong thai kỳ để đảm bảo mẹ không mắc bệnh.

6.Điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ

Nếu bị tiểu đường thai kỳ, mẹ cần điều trị càng sớm càng tốt để giữ cho bản thân và em bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ và khi sinh nở. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp sau:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu bốn lần trở lên mỗi ngày

  • Kiểm tra nước tiểu để tìm ketone, có hóa chất này có nghĩa là bệnh tiểu đường đang không được kiểm soát tốt

  • Thực hiện một chế độ ăn uống có lợi cho bệnh tiểu đường

  • Rèn luyện thói quen tập thể dục 

Bác sĩ sẽ theo dõi cân nặng của người mẹ và sự phát triển của em bé. Và mẹ có thể được tiêm insulin hoặc một loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu.

Bệnh tiểu đường thai kỳ là bệnh lý rất phổ biến mà nhiều mẹ gặp phải trong thai kỳ. Mẹ đừng quá lo lắng mà hãy giữ vững tinh thần tích cực và thoải mái nhất nhé.

Previous
Previous

Trầm cảm sau sinh: Cách nhận biết sớm, phòng ngừa và điều trị

Next
Next

Chế độ thai sản cho cả mẹ và ba - Quyền lợi và cách áp dụng