Mẹ cẩn trọng với cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai và cho con bú

Cảm lạnh khi mang thai hoặc cho con bú phải xử lý thế nào? 

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến do vi-rút gây nên, có thể ảnh hưởng đến cổ họng và gây ra các triệu chứng như: đau họng, đau đầu, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, sốt nhẹ, cảm giác hơi gai lạnh, có thể kèm theo đau họng, ho khan hoặc ho có đờm. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày. Cảm lạnh có thể rất khó chịu, nhưng không gây nguy hiểm cho mẹ và con trong 3 tháng đầu.

Dưới đây là một số phương pháp giúp mẹ bầu nhanh khỏi cảm:

  • Nghỉ ngơi.

  • Uống nhiều nước.

  • Tránh mất nước vì có thể gây nguy hiểm trong thai kỳ (nước chanh mật ong ấm có thể làm dịu cơ thể). 

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

  • Rửa và vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

  • Xông mũi ngay khi có dấu hiệu cảm từ các loại lá cây và tinh dầu (kinh giới, tía tô, gừng, xả...).

  • Tỏi chứa chất kháng sinh allicin giúp đẩy lui các virus gây bệnh. Mẹ có thể giã tỏi vắt lấy nước rồi dùng xông hoặc uống với nước để tăng sức đề kháng.

  • Không dùng thuốc kháng sinh. Tự ý mua thuốc uống khi mang thai hoặc cho con bú có thể gây nguy hiểm cho bé. Hãy chỉ sử dụng thuốc khi được bác sĩ chỉ định

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Một bát cháo giải cảm thêm hành, tiêu, tía tô và ăn nóng giúp mẹ toát nhiều mồ hôi và giải cảm hữu hiệu.

Mẹ nên tiếp tục cho bé bú nếu bị cảm lạnh để bé nhận được kháng thể từ sữa mẹ, giúp bé không bị ốm.


Bị cúm khi đang mang thai hoặc cho con bú phải xử lý thế nào?

Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi vi-rút cúm. Thường do hai chủng vi-rút cúm A, B gây ra.

Mẹ có thể phát hiện các triệu chứng khoảng 1-3 ngày sau khi tiếp xúc với người mang vi-rút. Trong hầu hết các trường hợp, những người bị cảm cúm sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày. Quan trọng là cần nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm: sốt cao, ớn lạnh, viêm họng, ho, đau đầu, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, mệt mỏi kéo dài. Hội chứng đau là một dấu hiệu khá nổi bật của cúm, giúp phân biệt với cảm lạnh thông thường.

Nếu chỉ quan sát triệu chứng, rất khó để phân biệt được cảm cúm và cảm lạnh.

  • Các triệu chứng của cảm cúm thường kéo dài và đi kèm với sốt, run rẩy và đau cơ.

  • Triệu chứng cảm lạnh thường ngắn hơn và chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và sốt nhẹ.

Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa vi-rút cúm. Mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng bất thường cho sản phụ, thai nhi. Chính vì vậy mẹ cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực và kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu đang mang thai và nghi ngờ bị cảm cúm, mẹ nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nhé, trong 48 giờ đầu tiên khi có các dấu hiệu. Đặc biệt nếu đang ở trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba, bệnh cúm có khả năng diễn tiến nghiêm trọng hơn và có thể gây nguy hiểm cho em bé.

Cảm cúm khi mang thai có nguy hiểm không?

Việc mang thai khiến mẹ có nhiều khả năng bị cúm hơn ở tam cá nguyệt thứ nhất do thai nhi mới hình thành và chưa kịp thích ứng với môi trường trong cơ thể mẹ. Dù mẹ khỏe mạnh và thai kỳ bình thường thì bệnh cúm cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và em bé, bao gồm:

  • Viêm phế quản, hay nghiêm trọng hơn là tiến triển thành viêm phổi

  • Tổn thương tim hoặc các cơ quan khác

  • Sinh non hoặc bé sinh ra nhẹ cân

  • Thai chết lưu

Phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm bằng cách nào?

Để phòng bệnh chung cho cả cảm lạnh thông thường và cúm mùa thì trước tiên cần phải nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng: mẹ nên ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau, hoa quả chứa nhiều vitamin C, cân đối các nhóm dưỡng chất (tinh bột, chất béo, chất đạm), uống đủ nước.

Có thể tiêm phòng cúm khi đang mang thai hoặc cho con bú không?

Vắc xin cúm là cách tốt nhất để bảo vệ cả mẹ và bé nhỏ khỏi bị cúm. Tiêm phòng cúm an toàn và được khuyến nghị ở mọi giai đoạn thai kỳ, cho bất kỳ ai có dự định mang thai hoặc đang cho con bú.

Mẹ nên tiêm phòng cúm mỗi năm do vắc-xin cúm được cập nhật hàng năm để mang lại sự bảo vệ tốt nhất.

Có thể dùng thuốc gì khi mang thai?

Khi mang thai hoặc cho con bú, mẹ có thể thắc mắc liệu có nên sử dụng thuốc để điều trị bệnh không. Một số loại thuốc không an toàn khi mang thai và cho con bú. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc, ngừng uống hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào.


Previous
Previous

Căng thẳng, lo lắng khi có bầu và những lưu ý cho mẹ

Next
Next

Trầm cảm sau sinh: Cách nhận biết sớm, phòng ngừa và điều trị