Sự phát triển của thai nhi tuần 27

Mới đó mà đã đến tuần 27, tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ hai rồi. Hãy sẵn sàng cho giai đoạn quan trọng tiếp theo ngay thôi.

Tuần này, em bé của mẹ đang tinh chỉnh các giác quan và đừng ngạc nhiên nếu mẹ đột nhiên nhận thấy những bước nhảy nhỏ trong bụng - bé có thể đang bị nấc cụt đấy.

Em bé ở Tuần 27

Ở tuần 27 của thai kỳ, em bé có thể nhận ra cả giọng nói của mẹ nhờ mạng lưới dây thần kinh đến tai phát triển, mặc dù âm thanh mà con nghe được bị bóp méo do lớp chất béo vernix bao phủ. Đây là thời điểm tốt để đọc, thậm chí là hát cho bé nghe, và cũng đến lúc để ghi nhớ những bài hát ru mà mẹ sẽ cần phải lặp lại (có thể là rất nhiều) sau này.

Vị giác của con bây giờ cũng rất phát triển. Giờ ăn của em bé sẽ đến sau mẹ khoảng hai giờ nhé. Nếu mẹ ăn cay, em bé lúc này có thể cảm nhận được sự khác biệt trong nước ối. Một số bé thậm chí sẽ phản ứng với món đồ ăn cay đó bằng cách nấc cụt và khiến mẹ cảm thấy như bị co thắt ở bụng. Điều này hoàn toàn bình thường.

Tuần này, phổi của bé cũng đang tạo ra chất hoạt động bề mặt. Chất lỏng này giữ các phế nang (túi khí nhỏ trong phổi) mở, giúp bé có thể thở sau khi sinh. Nhịp tim của em bé đã có thể được nghe thấy khi áp tai vào bụng mẹ rồi đấy.

Thai nhi tuần 26 có kích thước như quả bí ngòi

Mẹ ở Tuần 27

Phù nề ở bàn chân và mắt cá chân là hiện tượng khá phổ biến trong ba tháng cuối của thai kỳ. Điều này xảy ra khi chất lỏng tích tụ trong các mô cơ thể để hỗ trợ quá trình mang thai khi lưu lượng máu tăng lên, cùng với áp lực tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới khiến máu bơm từ chân về tim yếu hơn.

Mẹ hãy vận động nhẹ nhàng để chân được thư giãn và lưu thông máu. Hạn chế uống nước sẽ không làm giảm sưng, nhưng uống đủ nước thì có thể mẹ nhé. Ngoài ra, mẹ có thể thử massage, ăn thực đơn lành mạnh và ngủ nghiêng về bên trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch.

Trong hầu hết các trường hợp, phù nề không đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình trạng sưng quá mức có thể báo hiệu các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Gọi ngay cho bác sĩ nếu mẹ từng bị sưng tấy bất thường, đặc biệt khi xảy ra đột ngột hoặc quá mức, chỉ ở một bên, hoặc ở mặt hoặc tay.

Lời khuyên tuần này

Trong tam cá nguyệt thứ ba, mẹ có thể cần bổ sung khoảng 450 calo mỗi ngày để đạt được mức tăng cân mong muốn. Giảm cân khi mang thai chắc chắn là không an toàn, nhưng mẹ cũng không muốn tăng quá nhiều. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc hộ sinh nếu mẹ gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc tăng cân và họ có thể giới thiệu mẹ đến chuyên gia dinh dưỡng nếu cần.

Nhắc nhở tuần này

  1. Sẵn sàng cho các lần khám thai liên tục ở tam cá nguyệt thứ ba

  2. Theo dõi nhịp tim khi tập luyện

  3. Ghi lại nhật ký bữa ăn - Một số loại thực phẩm có thể gây ra Hội chứng chân không yên (RLS)

  4. Học Hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ

  5. Chọn bác sĩ nhi khoa

  6. Quyết định: Ai sẽ ở trong phòng sinh cùng mẹ?

  7. Lập kế hoạch sinh

Previous
Previous

Hướng dẫn mẹ cách tính tuần thai dễ áp dụng và đúng nhất

Next
Next

Tiêm phòng cho bé yêu