Theo dõi sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi

Hiểu được sự phát triển của thai nhi không chỉ giúp mẹ cảm thấy hành trình 9 tháng 10 ngày kỳ diệu và hạnh phúc hơn, mà còn cho phép mẹ theo dõi từng bước tiến của con cũng như biết cách kết nối với con nhiều hơn. Vậy còn chờ gì nữa, mẹ hãy cùng Matida khám phá sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi ngay thôi.

Tuần thứ 1 - 4

Lúc này, mẹ chưa cảm nhận được sự xuất hiện của con, thậm chí nhiều mẹ chưa phát hiện mình mang bầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phôi thai đã hình thành và đang di chuyển về phía tử cung của mẹ để làm tổ. Tới cuối tuần thứ 4, con mới chỉ dài 0,036 - 0,1 cm, nhỏ xíu như một hạt anh túc.

Thai nhi tuần thứ 4

Tuần thứ 5 - 8

Con bắt đầu hình thành các cơ quan quan trọng như não, tủy sống, tim, tai, tay, chân và hệ tiêu hóa. Sau tuần thai thứ 6, mẹ có thể nghe thấy nhịp đập trái tim của con thông qua siêu âm. Hãy ghi nhớ âm thanh đáng yêu và khoảnh khắc hạnh phúc này, mẹ nhé! Tới cuối tuần thứ 8, con dài khoảng 1,5 cm, vừa bằng một quả quất.

Thai nhi tuần thứ 8

Tuần thứ 9 - 13

Con chính thức tạm biệt giai đoạn phôi thai và bước sang giai đoạn thai nhi. Sự phát triển của thai nhi đang diễn ra nhanh chóng và mẹ có thể quan sát được hình dáng của con trên siêu âm: chiếc đầu tròn, thân mình uốn cong và hai tay, hai chân thon dài. Ở giai đoạn này, con có thể thở, nuốt nước ối và tạo ra nước tiểu. Tới cuối tam cá nguyệt thứ nhất, con dài khoảng 6 cm, tương đương với một trái chanh leo.

Thai nhi tuần thứ 13

Tuần thứ 14 - 17

Tất cả cơ quan đã hình thành sơ bộ và sự phát triển của thai nhi vẫn diễn ra rất mạnh mẽ. Tay chân con sẽ cứng cáp hơn và có thể cử động được. Tuy nhiên, mẹ chưa thể cảm nhận được thai máy ở thời điểm này, mà chỉ có thể quan sát cử động của con trên siêu âm. Thính giác và phổi của con cũng bắt đầu phát triển. Tới cuối tuần thứ 17, con dài khoảng 20 cm, cỡ một quả lê.

Thai nhi tuần thứ 17

Tuần thứ 18 - 21

Con bắt đầu cử động nhiều hơn, mạnh hơn và mẹ sẽ cảm nhận được thai máy. Mẹ có thể đặt tay lên bụng của mình để kết nối và cảm nhận sự chuyển động của con. Vào tuần thứ 18, thính giác của con tương đối hoàn thiện và con có thể nghe thấy âm thanh từ bên ngoài. Vì vậy, mẹ có thể trò chuyện, hát ru hoặc đọc sách cho con. Sang tuần thứ 19, mẹ sẽ quan sát được tai, mũi và môi của con trên siêu âm. Kết thúc tháng thứ 5, con dài khoảng 27 cm, kích thước bằng một củ cà rốt.

Thai nhi tuần thứ 21

Tuần thứ 22 - 26

Con đã cử động linh hoạt và khéo léo hơn. Mẹ có thể thấy con mút ngón tay, vờn bắt bàn tay, bàn chân, thậm chí là dây rốn trên siêu âm. Mẹ cũng có thể nhận biết được lúc nào con thức (con đạp nhiều) và lúc nào con ngủ (con nằm im). Tóc của con bắt đầu mọc và lông mày sẽ sớm xuất hiện. Tới cuối tuần thứ 26, con dài khoảng 35 cm, lớn như một quả cà tím.

Thai nhi tuần thứ 26

Tuần thứ 27 - 30

Con có thể nhận biết được giọng nói quen thuộc của mẹ và hồi đáp bằng cách “đạp”. Mẹ cũng sẽ cảm thấy sự chuyển động của con rõ ràng hơn khi có tiếng động ồn ào hoặc trong lúc mẹ nghỉ ngơi. Phổi của con đã phát triển hoàn thiện và con bắt đầu hít vào, thở ra nước ối nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho hơi thở đầu tiên sau khi chào đời. Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ ba, con tăng cân rất nhanh. Tới cuối tháng thứ 7, con dài khoảng 40 cm, nặng 1500 g, tương đương với một quả mãng cầu xiêm.

Thai nhi tuần thứ 30

Tuần thứ 31 - 35

Não của con không còn nhẵn nhụi như trước mà bắt đầu hình thành các nếp, rãnh để tăng diện tích và chuẩn bị phát triển trí thông minh trong tương lai. Hàng tỷ tế bào thần kinh đã được tạo ra với tốc độ xử lý thông tin nhanh chóng, giúp thu nhận và xử lý tín hiệu từ 5 giác quan. Con có thể ngửi và nếm được các loại thức ăn mà mẹ ăn và mùi hương của các sản phẩm dưỡng da mà mẹ sử dụng. Mắt của con cũng đã cảm nhận được ánh sáng. Nếu mẹ chiếu đèn pin vào bụng, con có thể chớp mắt và phản ứng lại bằng cách ngọ nguậy. Cuối giai đoạn này, con dài khoảng 46 cm, nặng 2600 g, lớn như một quả bưởi.

Thai nhi tuần thứ 35

Tuần thứ 36 - 40

Con sẽ thay đổi tư thế để chuẩn bị chào đời. Hầu hết các bé sẽ quay đầu và dần dần chúc đầu sâu xuống khung chậu của mẹ. Mẹ có thể cảm nhận điều này bằng cách dùng các đầu ngón tay sờ nắn bụng mình: vùng trên xương mu hơi cứng và tròn trịa là hình dáng của đầu, vùng dưới rốn mềm và lổn nhổn chính là mông và hai chân của con. Tới tuần thai thứ 39, em bé được coi là đủ tháng. Mẹ đã sẵn sàng đón chào thiên thần đáng yêu của mình chưa? Kết thúc tuần thứ 40, thai nhi dài 51 cm, nặng 3400 - 3600 g, tương đương với một quả dưa hấu.

Thai nhi tuần thứ 40

Hàng tuần, ứng dụng Matida sẽ cung cấp cho mẹ thông tin về sự phát triển của thai nhi cũng như những thay đổi trên cơ thể mẹ. Từ đó, mẹ sẽ nắm được các bước phát triển mới và sự thay đổi kích thước, cân nặng của con, đồng thời biết cách chăm sóc bản thân tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

https://www.acog.org/-/media/project/acog/acogorg/womens-health/files/infographics/changes-during-pregnancy.pdf?la=en&hash=52F4464B1E727CBAE64544CBA4B3F27C

https://www.natalben.com/en/pregnancy-months

Previous
Previous

Các hoạt động giúp trẻ sơ sinh vừa chơi đùa vừa phát triển

Next
Next

Lần đầu làm mẹ và những mẹo không thể bỏ qua