Lần đầu làm mẹ và những mẹo không thể bỏ qua

Sau khi em bé chào đời, cuộc sống của mẹ sẽ thay đổi hoàn toàn. Có nhiều điều mẹ cần học, nhiều việc mẹ cần làm và nhiều băn khoăn mong mỏi được giải đáp. Thấu hiểu điều này, Matida sẽ chia sẻ với mẹ tất cả những mẹo hữu ích cho lần đầu chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhờ đó, mẹ có thể tự tin hơn trên hành trình nuôi con.

Đừng ngần ngại nhờ sự trợ giúp từ gia đình

Chăm sóc bản thân là một phần quan trọng khi nuôi con vì mẹ khỏe mạnh, con mới phát triển tốt. Vì thế, mẹ đừng ngần ngại mà hãy nhờ gia đình và bạn bè hỗ trợ mình. Bí quyết này đặc biệt hữu ích với những mẹ sinh con đầu lòng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Mặc dù mẹ và các thành viên trong gia đình có thể bất đồng quan niệm khi chăm sóc em bé nhưng họ vẫn có những kinh nghiệm quý giá mà mẹ có thể tham khảo.

Những điều nên làm và cần tránh với trẻ sơ sinh

  • Mẹ cần rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi chạm vào con. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên con dễ bị nhiễm bệnh. Mẹ cũng nên khéo léo nhắc nhở người giữ trẻ và các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc này.

  • Luôn đặt tay sau gáy để đỡ đầu của con vì cơ cổ của trẻ sơ sinh còn yếu.

  • Mẹ có thể lắc lư nhẹ nhàng nhưng đừng bao giờ rung lắc mạnh trẻ sơ sinh. Rung lắc có thể khiến não của bé bị tổn thương, thậm chí dẫn đến tử vong.

  • Luôn thắt dây an toàn cho bé khi sử dụng địu, xe đẩy hoặc ghế an toàn ô tô.

  • Tránh chơi đùa thô bạo với trẻ sơ sinh, chẳng hạn lộn nhào hoặc tung hứng bé.

Làm thế nào để gắn kết với con?

Sợi dây gắn kết giữa mẹ và con có thể xuất hiện ngay từ những giờ đầu sau khi sinh. Mẹ có thể vuốt ve nhẹ nhàng hoặc ôm ấp con. Tiếp xúc da kề da (còn gọi là phương pháp Kangaroo) cũng rất hữu ích. Tiếp xúc gần gũi về thể xác sẽ khởi đầu mối liên kết tình cảm và giúp con phát triển khỏe mạnh.

Hướng dẫn mẹ tiếp xúc da kề da với con:

  • Mẹ không nên sử dụng nước hoa, kem dưỡng có mùi thơm nồng nặc và tránh xa khói thuốc lá trước khi tiếp xúc da kề da với con.

  • Lựa chọn phòng có ánh sáng vừa đủ, không có gió lùa và chỗ ngồi thoải mái. Mẹ có thể mặc áo sơ mi và cởi bỏ vài cúc áo. Sau đó, cởi bớt quần áo của con, chỉ giữ lại bỉm, rồi đặt con nằm trên ngực trần của mẹ.

  • Hai mẹ con hãy ngồi lặng yên bên nhau. Mẹ cũng có thể trò chuyện nhỏ nhẹ, ngân nga vài câu hát hoặc đọc truyện cho con.

Làm sao để giúp bé thoải mái và vui vẻ hơn?

Những mẹo dưới đây không chỉ giúp bé thoải mái, vui vẻ hơn mà còn có thể pháp dỗ con nín khóc.

  • Massage: Massage đem lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, đặc biệt với trẻ sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe. Một số động tác massage có thể gắn kết tình cảm giữa hai mẹ con và giúp trẻ tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh. Mẹ có thể tìm kiếm video hướng dẫn massage để tự thực hành ở nhà. Hãy nhớ rằng, cơ thể của trẻ sơ sinh còn non nớt, do đó mẹ nên thao tác nhẹ nhàng nhé!

  • Trò chuyện, hát hoặc đọc sách cho con: Trẻ sơ sinh thích nghe âm thanh ê a do bản thân phát ra hoặc tiếng hát, tiếng thủ thỉ trò chuyện của mẹ. Các bản nhạc nhẹ nhàng hoặc xúc xắc, lục lạc cũng là lựa chọn tốt để giúp con vui thích và phát triển thính giác. Nếu bé quấy khóc, mẹ hãy thử hát các bài đồng dao và đung đưa con nhẹ nhàng trên ghế.

  • Một số trẻ có thể rất nhạy cảm với xúc giác, ánh sáng hoặc âm thanh. Những trẻ này thường giật mình, dễ khóc, ngủ ít ​​hoặc quay mặt đi khi ai đó trò chuyện với trẻ. Trong trường hợp này, mẹ nên nói chuyện nhỏ nhẹ, đóng cửa sổ, kéo rèm cửa để tránh bé bị kích thích quá mức.

  • Quấn tã: Khi quấn tã, cánh tay của bé được áp sát vào thân người, trong khi chân vẫn có thể cử động thoải mái. Biện pháp này không chỉ giữ ấm mà còn cho bé cảm giác an toàn, thoải mái giống như trong tử cung của mẹ. Ngoài ra, quấn tã cũng giúp trẻ ít bị giật mình và tỉnh giấc.

Dưới đây là cách quấn tã cho bé:

  • Trải rộng tã trên giường. Gập một góc của tã xuống khoảng 15cm.

  • Đặt con nằm ngửa trên tã, đầu hướng về góc tã đã gấp.

  • Quấn tã từ bên trái qua bên phải sao cho tay trái và cơ thể bé được bao phủ bởi 1/2 chiếc tã. Sau đó, nhấc tay phải của bé lên cao và đưa phần tã xuống phía dưới lưng bên phải của bé.

  • Quấn tã từ dưới chân bé lên để che kín phần chân, rồi nhét góc tã này vào bên dưới phần tã đã cuốn ở bước trên.

  • Quấn nốt tã từ bên phải sang bên trái để bao bọc tay phải của trẻ. Cuối cùng, nhét góc tã này xuống phía lưng bên trái của con.

  • Lưu ý, không nên quấn tã quá chặt vì có thể khiến bé khó thở và dẫn đến chứng loạn sản xương hông. Tã được quấn vừa phải khi mẹ có thể luồn một bàn tay vào giữa tã và ngực của con, đồng thời chân của con không bị ép thẳng mà vẫn cử động thoải mái.

  • Mẹ nên ngừng quấn tã khi con được 2 tháng tuổi. Lúc này, con đã biết lăn người sang trái, sang phải nên tã có thể khiến con bị ngạt thở.

Làm sao để thay bỉm cho bé?

Nghe có vẻ buồn cười nhưng kỹ năng này thật sự cần thiết. Trẻ sơ sinh cần thay 8 - 10 chiếc bỉm mỗi ngày. Điều này có nghĩa là mẹ cần thực hiện hành động này khoảng 70 lần mỗi tuần. Cách thay bỉm cho bé như sau:

  • Chuẩn bị sẵn khăn ướt, bỉm sạch, thùng rác hoặc túi nilon đựng bỉm bẩn, kem hăm để thao tác nhanh gọn.

  • Tay trái của mẹ cầm hai chân của con và giơ lên cao. Tay phải cầm khăn lau nhẹ nhàng từ phía trước ra phía sau. Sau đó, nhấc nhẹ mông con lên, rút bỉm bẩn và ngoài rồi đặt bỉm sạch dưới mông con.

  • Bôi kem hăm nếu cần rồi dán bỉm.

  • Dọn dẹp và rửa tay với xà phòng sau khi thay bỉm cho con.

  • Tắm, chăm sóc cuống rốn và vệ sinh bao quy đầu cho bé như thế nào?

  • Mẹ có thể tắm cho em bé hàng ngày hoặc 2 - 3 lần/ tuần. Không nên tắm nhiều hơn vì sẽ khiến da bé bị khô. Với bé trai, mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu trong lúc tắm. Mẹ có thể dùng tay lộn nhẹ bao quy đầu của con và rửa sạch cặn bẩn.

  • Khi cuống rốn của con chưa rụng, mẹ hãy vệ sinh hàng ngày bằng nước sạch, sau đó thấm khô. Sau 10 - 20 ngày, cuống rốn sẽ chuyển từ màu vàng sang nâu đen, rồi rụng đi. Mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu rốn của con sưng đỏ, chảy dịch hoặc có mùi hôi.

Bao lâu nên cho bé bú sữa?

Trẻ sơ sinh nên được cho ăn theo nhu cầu, nghĩa là bất cứ khi nào trẻ đói, thường là sau 2 - 3 giờ. Mẹ có thể phát hiện ra em bé đang đói bụng thông qua tiếng khóc hoặc khi thấy con mút tay. Sau khi ăn no, con sẽ tự nhả vú hoặc bình ti, kèm theo đó là khuôn mặt thỏa mãn, vui vẻ.

Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp mẹ xác định được liệu em bé có ăn đủ nhu cầu không.

  • Con đi tiểu và đại tiện nhiều lần trong ngày (khoảng 8 - 10 chiếc bỉm bẩn cần thay mỗi ngày)

  • Con ngủ ngon

  • Tăng cân đều đặn

  • Nếu cho con bú mẹ trực tiếp, sau bữa bú, mẹ sẽ thấy ngực xẹp bớt.

  • Nếu cho con ăn sữa công thức, mẹ có thể đong thể tích sữa mà con ăn được.

  • Trẻ sơ sinh thường nuốt không khí trong khi bú, dù bú mẹ hay bú bình. Điều này khiến dạ dày của trẻ căng tức, khó chịu và trẻ thường quấy khóc trong hoặc sau khi bú. Mẹ hãy vỗ ợ hơi để giúp con thoải mái và bú tốt hơn nhé!

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có gì đặc biệt?

Trẻ sơ sinh thường ngủ tổng cộng 16 tiếng mỗi ngày, trong đó mỗi cữ kéo dài 2 - 4 tiếng. Xen giữa các giấc ngủ, bé sẽ thức dậy để bú sữa. Trẻ có thể ngủ liên tục 6 - 8 tiếng vào ban đêm khi được 3 tháng tuổi.

Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đột tử khi ngủ, mẹ nên:

  • Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ

  • Sắp xếp giường, nôi, cũi của con gọn gàng. Không đặt chăn, gối và thú bông xung quanh con để giảm nguy cơ ngạt thở.

  • Nên cho bé ngủ riêng trong nôi, cũi nhưng hãy đặt nôi, cũi của con trong phòng ngủ của bố mẹ.

Ngoài ra, mẹ có thể thường xuyên thay đổi tư thế nằm của con (lúc xoay đầu sang phải, khi quay đầu sang trái) để đầu con không bị méo.

Những ngày đầu sau sinh, mẹ có thể bối rối, lo lắng và chăm sóc con thật vụng về. Nhưng chỉ vài tuần nữa thôi, mẹ sẽ thành thạo và tự tin hơn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay lắng lo nào, mẹ hãy chia sẻ với cộng đồng Matida cũng như tham khảo các bài viết, podcast và video hữu ích của chúng tôi.

Previous
Previous

Theo dõi sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi

Next
Next

Cách tính ngày dự sinh chính xác nhất