Sự phát triển của thai nhi tuần 33

Chào mừng mẹ đến với tuần 33 của thai kỳ.

Khi ở tuần 33, mẹ đang tiến gần đến giữa tam cá nguyệt thứ ba. Em bé hiện tại đã đạt đến chiều dài sẽ đo được khi chào đời, nhưng vẫn đang bận rộn tăng khoảng 0.25kg mỗi tuần. Mẹ có thể nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của bé với những cú đạp mạnh hơn.

Em bé ở Tuần 33

Mức nước ối đã đạt mức tối đa khi mang thai 33 tuần và em bé dần vừa khít trong bụng mẹ. Đó là lý do tại sao mẹ có thể cảm thấy cử động của bé rõ nét hơn. Sau khi em bé chuyển sang tư thế đầu cúi xuống để chuẩn bị chào đời, mẹ có thể cảm thấy những cú đạp ở những vị trí mới, như bên dưới xương sườn chẳng hạn.

Bé đã biết nhắm mắt khi ngủ và mở mắt khi thức. Em bé có thể phân biệt giữa ngày và đêm khi nhiều ánh sáng xuyên qua tử cung hơn do thành tử cung mỏng đi. Da bé cũng bớt đỏ và trong suốt hơn, nhờ lớp chất béo tích tụ, da trở nên mềm mại và mịn màng khi em bé tròn trịa chuẩn bị chào đời.

Ở tuần 33, em bé đã đạt được một cột mốc quan trọng khi có hệ miễn dịch của riêng mình. Các kháng thể vẫn sẽ tiếp tục được truyền từ mẹ sang bé qua hệ miễn dịch, hỗ trợ chống lại mọi loại vi trùng khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Xương trong hộp sọ của bé vẫn chưa khớp với nhau, nên chúng có thể di chuyển và chồng lên nhau một chút. Điều này giúp em bé dễ dàng chui qua đường sinh hơn (đường mà em bé ra khỏi cơ thể mẹ khi được sinh ra, hình thành bởi cổ tử cung, âm đạo và âm hộ của mẹ). Dù vậy, áp lực lên đầu khi sinh mạnh đến nỗi nhiều em bé được sinh ra với đầu không được tròn trịa.

Thai nhi tuần 33 có kích thước như quả dừa xanh

Mẹ ở Tuần 33

Nếu mẹ ngủ ít hơn hoặc đối mặt với chứng mất ngủ khi mang thai, mẹ không đơn độc đâu, khoảng 75% số mẹ gặp phải trong vài tháng cuối thai kỳ.

Sự khó chịu về thể chất là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến giấc ngủ kém ở giai đoạn này (bụng to hơn, em bé tăng động, cơ thể đau nhức). Cảm giác lo lắng về sự kiện quan trọng sắp tới cũng có thể khiến mẹ không thoải mái và khó đi vào giấc ngủ.

Hãy cố gắng hết sức để cảm thấy thoải mái trước khi đi ngủ: đọc vài trang sách, tắm nước ấm, thiền hay tập thể dục nhẹ nhàng, tránh sử dụng điện thoại hay ăn uống quá gần giờ đi ngủ. Tìm một chiếc gối bầu tốt cũng có thể giúp mẹ dễ ngủ hơn. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, mẹ có thể tìm gặp bác sĩ để nhận tư vấn hoặc uống thuốc nếu cần.

Một khía cạnh tích cực không ngờ tới: Mất ngủ khi mang thai là bài tập tuyệt vời cho những đêm mất ngủ sắp tới, hm...

Lời khuyên tuần này

Nhiều mẹ cảm thấy mình mau quên hơn vào cuối thai kỳ, dù điều này chưa được chứng minh. Nhưng cũng không khó hiểu khi mẹ có quá nhiều thứ phải suy nghĩ, hay ngủ không ngon giấc. Căng thẳng và suy nhược cũng có thể làm giảm khả năng tập trung.

Mẹ được thoải mái chính là điều quan trọng nhất, vì vậy đừng dằn vặt bản thân nếu mẹ lỡ quên gì đó. Thay vào đó, hãy thử đặt lời nhắc, ghi chú những thông tin quan trọng, đơn giản hóa những việc cần làm và nhờ bố hỗ trợ mẹ nhiều hơn để giải tỏa tinh thần. Và đặc biệt, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt mẹ nhé.

Nhắc nhở tuần này

  • Đăng ký khóa học chuẩn bị cho chuyển dạ và sinh nở, CPR cho trẻ sơ sinh

  • Chuẩn bị túi đi sinh

  • Chuẩn bị cho quá trình phục hồi sau sinh

  • Hỏi về các dịch vụ/hỗ trợ của bệnh viện cho mẹ, như chuyên gia tư vấn cho con bú

  • Trữ sẵn quần áo và vật dụng cần thiết cho em bé

Previous
Previous

Sự phát triển của thai nhi tuần 34

Next
Next

Sự phát triển của thai nhi tuần 32