Mang thai mùa nóng mẹ bầu cần lưu ý gì?

Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi nhiệt độ tăng cao. Khi mang thai, mẹ phải trải qua nhiều thay đổi về cả thể chất và cảm xúc, nhiệt độ cơ thể cũng cao hơn bình thường. Đặc biệt, trong thời tiết nóng bức, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến mẹ và bé. Vì vậy, qua bài viết này, Matida sẽ giúp mẹ tìm hiểu thêm những rủi ro, dấu hiệu khi mẹ bị say nắng và các phòng tránh nắng để đảm bảo sức khỏe thật tốt.

Vì sao nắng nóng ảnh hưởng đến mẹ bầu nhiều hơn?

Tất cả chúng ta đều cảm thấy uể oải và thậm chí chóng mặt trong tiết trời nóng bức. Cơ thể phải vật lộn để hạ nhiệt khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, gia tăng nguy cơ mắc các tình trạng liên quan đến thời tiết nắng nóng như mất nước, say nắng và kiệt sức. Phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ cơ thể khi mang thai.

Lý do: Khi mang thai, mẹ thường có nhiệt độ trung bình của cơ thể cao hơn và tim đập nhanh hơn, khiến cơ thể càng trở nên nhạy cảm hơn với tình trạng quá nóng (mất nước, chóng mặt và hạ huyết áp). Trời nóng dễ khiến cơ thể mẹ mất một lượng lớn nước thông qua việc thoát mồ hôi, và cùng với việc tập thể dục, mẹ sẽ càng đổ mồ hôi nhiều hơn.

Thời tiết nắng nóng cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu từ Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chỉ ra rằng nhiệt độ tăng cao hơn do biến đổi khí hậu có thể làm tăng số lượng dị tật tim bẩm sinh ở Hoa Kỳ.

Rủi ro khi tiếp xúc với nhiệt khi mang thai

Dưới đây là 4 vấn đề chính mẹ nên đặc biệt quan tâm trong tiết trời nắng nóng. Hiểu rõ những rủi ro sẽ giúp mẹ chuẩn bị cho một mùa hè mát mẻ và thoải mái.

Chuột rút do nhiệt (Heat cramps)

Chuột rút do nhiệt là một tình trạng phổ biến và ít nguy hiểm trong các vấn đề liên quan đến trời nóng mà mẹ có thể gặp phải. Tình trạng khó chịu tăng lên nếu mẹ tập thể dục, chủ yếu tác động đến vùng bắp chân, cánh tay và dạ dày, và thường kéo dài hơn vào ban đêm. Mẹ nên bổ sung đủ nước và chất điện giải để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Mất nước

Mất nước (không uống đủ nước trong thời tiết nóng hoặc tập luyện quá sức) có thể khiến cơ thể mẹ gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các hoạt động thường ngày. Ít chất lỏng trong cơ thể đồng nghĩa với việc giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Mất nước cũng có thể làm tăng hoạt động của tử cung và tăng nguy cơ chuyển dạ sớm, vì vậy, việc uống đủ nước khi mang thai là cực kỳ quan trọng đấy. Mẹ nhớ nhé.

Lả nhiệt (Heat exhaustion)

Một tình trạng khác liên quan đến nhiệt độ cao là lả nhiệt hay kiệt sức do nhiệt, xảy ra do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa khi thời tiết nóng, triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng. Kiệt sức vì nóng có thể dẫn đến sốc nhiệt (heat stroke), rất nguy hiểm và thậm chí đe dọa đến tính mạng, và đôi khi rất khó phát hiện.

Lý do: Các triệu chứng tương tự như những triệu chứng mà phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt, như mệt mỏi, buồn nôn và chuột rút.

Sốc nhiệt (Heat stroke)

Tình trạng kiệt sức vì nóng kéo dài có thể dẫn đến sốc nhiệt. Đây là bệnh lý nghiêm trọng nhất khi tình trạng thân nhiệt tăng quá cao (thường >40 độ). Sốc nhiệt nếu không được điều trị nhanh chóng có thể gây nguy hiểm cho cả phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh (tổn thương não, tim, thận và cơ).

Các triệu chứng lả nhiệt và sốc nhiệt

Nếu mẹ cảm thấy mệt mỏi và khát nước sau khi ở ngoài trời trong thời tiết nóng bức, hãy lưu ý các dấu hiệu sau đây để có thể được trợ giúp kịp thời:

  • Buồn nôn và nôn

  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao (có thể lên đến 40 độ - dấu hiệu chính của sốc nhiệt)

  • Đổ mồ hôi nhiều

  • Lạnh, nổi da gà

  • Đau đầu, chóng mặt

  • Tăng nhịp tim

  • Thở nhanh

  • Da ửng đỏ

  • Chuột rút ở cơ bắp

  • Cách phòng tránh lả nhiệt và sốc nhiệt khi mang thai

Hãy kiểm tra dự báo thời tiết trong những tháng nắng nóng để biết khi nào nên tìm đến sự trợ giúp từ máy lạnh và hạn chế ra đường dưới trời oi bức mẹ nhé. Đọc thêm dưới đây những cách khác để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt khi mang thai:

  • Hãy mang theo nước bên mình hoặc đồ uống có chất điện giải khi trời quá nóng để chắc chắn rằng mẹ được cung cấp đủ nước.

  • Chọn vải linen hoặc vải chất mỏng, nhẹ, thoát mồ hôi tốt có thể giúp mẹ cảm thấy mát mẻ hơn.

  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống thấm nước, an toàn cho bà bầu (SPF 30 trở lên) 15 phút trước khi ra ngoài trời và thoa lại sau mỗi hai giờ. Đội mũ rộng vành và đeo kính râm cũng sẽ giúp bảo vệ làn da của mẹ khi ra ngoài nắng.

  • Hạn chế tối đa thời gian ở ngoài trời nắng và tìm nơi tránh nóng nhanh nhất có thể.

  • Chườm khăn lạnh, ẩm lên cổ tay, cổ, đầu hoặc nách có thể giúp hạ nhiệt cơ thể.

  • Ở trong nhà vào thời gian nóng nhất trong ngày — từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

  • Kiểm tra nước tiểu. Nước tiểu màu tối cho mẹ biết cơ thể đang thiếu nước và báo hiệu tình trạng mất nước. Bổ sung nước ngay nào!

  • Mẹ có thể hạn chế tập thể dục khi trời nóng và ẩm, hoặc tập trong phòng có điều hòa nhiệt độ.

  • Hạn chế tắm bồn nước nóng và xông hơi khi mang thai vì nhiệt độ và độ ẩm cao, ngoài ra còn có thể gây mất nước và các bệnh lý do nhiệt tăng cao.

  • Đi bơi và tham gia các hoạt động thư giãn dưới nước cũng là một cách hạ nhiệt hiệu quả trong mùa nóng.

Hãy cẩn trọng hơn trong mùa nắng nóng khi nhiệt độ tăng cao để giữ an toàn cho bản thân và em bé mẹ nhé. Hãy cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể trong đợt nắng nóng, uống nhiều nước và tạm thời giảm bớt các hoạt động thể thao. Đọc và nghe thêm podcast trên ứng dụng Matida để có thêm nhiều thông tin bổ ích trong thai kỳ.

Previous
Previous

Quá trình sinh thường sẽ diễn ra như thế nào?

Next
Next

Khi nào thì thai máy?