Quá trình sinh thường sẽ diễn ra như thế nào?

Sinh thường là phương pháp sinh tự nhiên thông qua ngả âm đạo của mẹ, là phương pháp phổ biến và được nhiều mẹ lựa chọn nhất bởi nhiều lợi ích cho cả mẹ và em bé.

Sinh thường là gì?

Khi sinh thường, tử cung của mẹ co bóp để xóa (làm mỏng) và mở cổ tử cung giúp đẩy em bé ra ngoài qua âm đạo.

Sinh thường thường là phương pháp được lựa chọn vì đảm bảo an toàn nhất cho mẹ và thai nhi, thường xảy ra giữa tuần 37 và 42 của thai kỳ.

Có những loại sinh thường nào?

Có nhiều kiểu sinh thường khác nhau: sinh tự nhiên, sinh thường có kích thích chuyển dạ và sinh thường sử dụng thủ thuật hỗ trợ khi sinh.

Sinh tự nhiên qua ngả âm đạo: quá trình sinh nở xảy ra tự nhiên và không cần kích thích chuyển dạ bằng thuốc hay thủ thuật.

Sinh thường có kích thích chuyển dạ: Bác sĩ sẽ thực hiện khởi phát chuyển dạ cho mẹ bằng thuốc hoặc các kỹ thuật khác để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và quá trình xóa mở cổ tử cung.

Sinh thường sử dụng thủ thuật hỗ trợ khi sinh: sinh thường diễn ra với sự trợ giúp của kẹp hoặc thiết bị hút chân không để đưa em bé ra ngoài. Dành cho cả sinh thường có kích thích chuyển dạ bằng thuốc và các kỹ thuật khác hỗ trợ.

Các giai đoạn của sinh thường?

Một cuộc sinh thường có thể được chia thành ba giai đoạn: chuyển dạ, rặn đẻ và nhau thai đẩy ra ngoài.

Chuyển dạ

Quá trình chuyển dạ bắt đầu bằng các cơn co thắt tử cung và kết thúc khi cổ tử cung giãn ra 10 cm và bong ra hoàn toàn. Chuyển dạ cũng có 3 giai đoạn: chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp.

  • Chuyển dạ sớm: Thời điểm các cơn co thắt bắt đầu và cổ tử cung của mẹ bắt đầu xóa mở (giãn ra và mỏng đi). Cổ tử cung có thể giãn ra khoảng 5 cm khi kết thúc pha chuyển dạ sớm.

  • Chuyển dạ tích cực: Ở pha này, các cơn co thắt mạnh, kéo dài đến một phút mỗi lần và xảy ra cách nhau khoảng ba phút. Nếu quá đau, mẹ có thể yêu cầu gây tê ngoài màng cứng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng oxytoxin nhằm kích thích quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn.

  • Chuyển dạ chuyển tiếp: Đây là thời điểm ngay trước khi cổ tử cung của mẹ giãn ra đủ 10 cm. Pha này sẽ ngắn nhưng dữ dội hơn vì các cơn co thắt đến rất nhanh và có thể kéo dài hơn một phút. Giai đoạn này có thể rất tốn sức, mẹ có thể đổ mồ hôi, nôn ói hoặc cơ thể run rẩy. Quá trình rặn đẻ sẽ bắt đầu ngay sau đây.

Rặn đẻ

Quá trình sinh nở thực sự bắt đầu khi cổ tử cung mở 10 cm và kết thúc khi em bé chào đời. Trong giai đoạn này, mẹ sẽ cảm nhận được những cơn co thắt mạnh và bắt đầu rặn đẻ. Bác sĩ/hộ sinh/nhân viên y tế sẽ hướng dẫn mẹ rặn đẻ, đặc biệt nếu đã được gây tê ngoài màng cứng và không thể cảm nhận được các cơn co thắt. Giai đoạn này có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ và có thể diễn ra thuận lợi hơn nếu mẹ đã từng sinh thường.

Đẩy nhau thai ra ngoài

Sau khi em bé chào đời, nhau thai đã hoàn thành hết nhiệm nhiệm vụ của mình, cũng là lúc bắt đầu quá trình cuối cùng - tử cung sẽ co bóp mạnh để đẩy hết nhau thai ra ngoài, có thể kéo dài đến 30 phút sau sinh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, toàn bộ bánh nhau không được đẩy ra mà vẫn còn một phần bị sót lại trong tử cung, gọi là sót nhau sau sinh mà không ít mẹ gặp phải. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên cần được phát hiện và xử trí sớm để bảo vệ sức khỏe của mẹ.

Mẹ hãy nhớ rằng, quá trình chuyển dạ và sinh con ở mỗi người là khác nhau. Tùy thuộc vào việc có gây tê ngoài màng cứng không, sinh con so hay con rạ, kích thước và vị trí của em bé cũng như tốc độ xóa mở cổ tử cung.

Rủi ro có thể gặp khi sinh thường

Sinh thường thường gặp ít rủi ro nhất nhưng có thể xảy ra những tình trạng sau đây mẹ nên lưu ý:

  • Chuyển dạ chậm lại hoặc dừng lại và cổ tử cung không giãn ra đủ. Oxytocin có thể được sử dụng để kích thích co bóp tử cung và thúc đẩy quá trình chuyển dạ.

  • Nhịp tim thai nhi không đều: do đầu hoặc dây rốn của em bé bị nén lại trong quá trình sinh.

  • Băng huyết sau sinh.

  • Rách âm đạo: mô xung quanh âm đạo và trực tràng bị tổn thương trong quá trình sinh nở.

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: xuất hiện các cục máu đông ở chân hoặc xương chậu sau khi sinh.

  • Tiền sản giật sau sinh: huyết áp tăng cao quá mức sau sinh.

Trường hợp nào không nên sinh thường?

Trong một số trường hợp, việc sinh thường có thể gây nguy hiểm. Mẹ có thể được đề nghị sinh mổ nếu:

  • Em bé đang ở tư thế ngôi mông.

  • Nhau tiền đạo hoặc có vấn đề với nhau thai.

  • Nhiễm trùng, hoặc tổn thương bộ phận sinh dục do vi rút.

  • Mắc bệnh mãn tính.

Ưu điểm của việc sinh thường là gì?

Đối với mẹ:

  • Thời gian phục hồi ngắn hơn.

  • Quá trình cho con bú bắt đầu sớm hơn.

  • Ít biến chứng hơn trong tương lai.

Đối với thai nhi:

  • Ít mắc các bệnh hô hấp hơn.

  • Cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch.

  • Khả năng con bú cao hơn (cho con bú trực tiếp).

Sinh thường có đau không?

Có chứ. Nhưng hiện nay có nhiều phương pháp đẻ không đau giúp kiểm soát cơn đau khi sinh như gây tê ngoài màng cứng. Mẹ nên tham khảo với bác sĩ về các phương pháp đẻ không đau này trước khi sinh.

Tác dụng phụ khi sinh thường

Mẹ có thể có những thay đổi về thể chất và cảm xúc sau khi sinh, các triệu chứng phổ biến là:

  • Táo bón.

  • Ngực căng sữa.

  • Đau âm đạo, đặc biệt nếu bạn bị rách.

  • Tâm trạng thất thường.

  • Chảy máu âm đạo.

  • Bệnh trĩ.

  • Chuột rút.

  • Tiết sản dịch sau sinh.

Nhiều mẹ cũng gặp baby blues do thay đổi nội tiết tố, có thể gây ra buồn bã, dễ khóc, cảm xúc khác thường, v.v. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần hoặc vài tháng, mẹ có thể đã bị trầm cảm sau sinh, hãy đi khám sớm nhất có thể mẹ nhé. (Đọc thêm bài viết Trầm cảm sau sinh trên Matida).

Mất bao lâu để hồi phục sau khi sinh thường?

Thời gian phục hồi với mỗi mẹ là khác nhau. Nhưng nói chung, quá trình hồi phục sau khi sinh thường nhanh hơn so với khi sinh mổ. Tùy thuộc vào việc mẹ có bị rách âm đạo sau sinh hay không và mức độ nghiêm trọng như thế nào, cơn đau có thể tiếp diễn trong vài tuần, gây bất tiện trong sinh hoạt. Còn lại, hầu hết mọi người sẽ bị sưng, bầm tím và đau nhức vùng âm đạo trong một hoặc hai tuần. Chườm lạnh bằng gạc hay băng vệ sinh có thể giúp giảm đau phần nào.

Tình trạng chảy máu bao lâu sau khi sinh thường?

Việc chảy máu cho đến lần khám sau sinh vài tuần là điều bình thường. Tuy nhiên, mẹ hãy chú ý liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng hơn theo thời gian hoặc phải dùng thêm băng vệ sinh sau vài tuần.

Bao lâu sau khi sinh thường có thể quan hệ vợ chồng?

Nên đợi ít nhất sáu tuần hoặc cho đến sau lần thăm khám đầu tiên sau sinh để cơ thể có thời gian chữa lành và bác sĩ đã kiểm tra và đảm bảo an toàn cho mẹ. Ngoài ra, hãy tham khảo các biện pháp tránh thai trước khi quan hệ tình dục trở lại. Không có kinh nguyệt và mới sinh con xong không có nghĩa là không thể mang thai lần nữa đâu, mẹ chú ý nhé.

Nên hỏi bác sĩ những gì trước khi sinh?

Mẹ chắc chắn sẽ có muôn vàn bỡ ngỡ trước khi lâm bồn, đặc biệt là với các mẹ “tập đầu”. Matida gợi ý một số câu hỏi cho mẹ:

  • Những rủi ro của việc sinh thường là gì?

  • Làm thế nào để biết khi nào nên rặn?

  • Làm thế nào để có thể giảm nguy cơ bị rách âm đạo?

  • Làm thế nào để biết quá trình chuyển dạ đang bắt đầu?

  • Khi nào nên đến bệnh viện?

  • Mất bao lâu để hồi phục sau khi sinh thường?

  • Có thể làm gì để tăng khả năng sinh thường không?

Mỗi trải nghiệm mang thai, chuyển dạ và sinh nở đều là duy nhất. Hãy giữ tâm lý thoải mái và đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt để mẹ yên tâm và chuẩn bị thật tốt cho ngày lâm trận sắp đến nhé.

Previous
Previous

Địa Chỉ "Nhà Tạm Lánh" Khu Vực Miền Nam - Dành Cho Phụ Nữ Mang Thai Cần Nơi Nương Tựa Để Sinh Con

Next
Next

Mang thai mùa nóng mẹ bầu cần lưu ý gì?