Chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho mẹ sau sinh

Chăm sóc hậu sản là gì?

Giai đoạn hậu sản là 6 tuần đầu sau sinh. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc của cả gia đình khi đón chào thành viên mới, nhưng đồng thời cũng là giai đoạn quan trọng để điều chỉnh và hồi phục sức khỏe cho mẹ. Kết thúc 6 tuần này, mẹ nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá sức khỏe hậu sản.

a young mom holding her baby air blank space

Giai đoạn mới khi chào đón thành viên nhí đến với gia đình

Điều chỉnh cuộc sống với vai trò mới: làm mẹ

Điều chỉnh cuộc sống hàng ngày khi gia đình có thành viên mới không dễ dàng, đặc biệt với mẹ sinh con đầu lòng. Mặc dù chăm sóc cho con rất quan trọng, nhưng mẹ cũng cần quan tâm tới sức khỏe của bản thân.

Điều chỉnh cuộc sống với vai trò mới: làm mẹ

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, phụ nữ có thời gian nghỉ thai sản (trước và sau sinh) là 6 tháng. Chính sách này cho phép mẹ thích nghi với cuộc sống mới sau khi em bé chào đời. Mẹ có thể mệt mỏi, cáu kỉnh khi trải qua nhiều đêm mất ngủ vì cho con bú và thay tã thường xuyên. Tin vui là mẹ sẽ sớm làm quen và thành thục vai trò mới này, nhờ những mẹo hữu ích dưới đây.

  1. Nghỉ ngơi đầy đủ: Em bé thường thức dậy mỗi 2 - 3h để bú sữa. Vì vậy, mẹ hãy tranh thủ chợp mắt khi con ngủ để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi.

  2. Tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè: Sau sinh, mẹ cần ngủ đủ giấc và tích cực nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi nhanh chóng. Mẹ nên nhờ gia đình, bạn bè phụ giúp nấu ăn, giặt đồ, các việc vặt hoặc chăm sóc những em bé lớn. Nhờ đó, mẹ có thêm thời gian dành cho bản thân.

  3. Ăn uống lành mạnh: Mẹ nên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, hoa quả và protein vào chế độ ăn hàng ngày. Uống nhiều nước để có đủ lượng sữa cho con bú.  

  4. Tập thể dục: Mẹ nên tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ có thể đi bộ quanh nhà để vừa vận động cơ thể vừa cải thiện tâm trạng vui vẻ, tràn đầy năng lượng.

Bắt đầu một gia đình mới 

Em bé mới sinh sẽ đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của cả bố và mẹ. Trong giai đoạn hậu sản, bố mẹ ít có thời gian trò chuyện, quan tâm và chăm sóc nhau. Điều này có thể dẫn đến hiểu lầm và xung đột giữa hai vợ chồng. Do đó, bố mẹ hãy học cách quản lý áp lực và căng thẳng để vượt qua giai đoạn này êm ấm hơn.

Đầu tiên, bố mẹ cần kiên nhẫn. Tất cả các cặp vợ chồng đều cần thời gian để thích nghi với cuộc sống mới sau khi em bé chào đời. Sau dần, cả hai sẽ thấu hiểu con và biết cách chăm sóc con.

Ngoài ra, bố mẹ nên trò chuyện cởi mở với nhau. Nếu mẹ thấy kiệt sức, hãy chia sẻ với bố và nhờ bố giúp sức. Ngược lại, nếu bố có cảm giác cô đơn hoặc áp lực, đừng ngại tâm sự với mẹ. Điều quan trọng là cả hai cùng lắng nghe và thông cảm cho nhau. Thêm nữa, bố mẹ có thể dành một chút thời gian trong ngày để ăn cơm, xem phim, ôm ấp hoặc massage cho nhau. Khoảng thời gian riêng tư này sẽ giúp bố mẹ thả lỏng cơ thể và gắn kết tình cảm vợ chồng. Bố mẹ đã chăm sóc con suốt cả ngày, vì vậy đừng cảm thấy tội lỗi khi dành vài phút tự do cho nhau.

Bố và mẹ hãy cùng lắng nghe và cảm thông cho nhau

Baby blues và Trầm cảm sau sinh

Khoảng 70 - 80% phụ nữ sau sinh trải qua Baby blues. Tình trạng này là phản ứng bình thường của cơ thể, do sự thay đổi của các hóc-môn sinh dục nữ sau sinh. Baby blues có thể xảy ra từ vài ngày đến hai tuần sau khi em bé chào đời và bao gồm các dấu hiệu sau:  

  • Khóc không rõ lý do

  • Cáu gắt

  • Mất ngủ

  • Buồn chán

  • Tâm trạng thất thường

  • Cảm giác bồn chồn, lo lắng

Khoảng 70 - 80% phụ nữ sau sinh trải qua Baby blues

Khi nào mẹ nên đi khám bác sĩ?

Baby blues khác với trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh bao gồm các triệu chứng nặng hơn và kéo dài trên 2 tuần.

Khi mắc chứng trầm cảm sau sinh, mẹ thường cảm thấy tội lỗi, vô dụng hoặc không còn yêu thích, hứng thú với các hoạt động hàng ngày. Thậm chí, một số mẹ có thể thờ ơ, không quan tâm đến con và có suy nghĩ làm tổn thương con.

Khác với Baby blues, trầm cảm sau sinh cần được điều trị. Mẹ hãy đi khám nếu các dấu hiệu trên kéo dài hơn 2 tuần, hoặc khi mẹ có suy nghĩ làm tổn thương em bé. Hãy nhớ rằng, trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thậm chí 1 năm sau sinh.

Thích nghi với những thay đổi của cơ thể

Sau khi sinh con, ngoài những thay đổi về cảm xúc, cơ thể của mẹ cũng trải qua nhiều biến đổi, điển hình là vóc dáng. Nhiều mẹ mong muốn nhanh chóng quay lại cân nặng như trước khi mang thai. Tuy nhiên, giảm cân không phải chuyện một sớm một chiều. Mẹ cần kiên nhẫn kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng lành mạnh và vận động. Khi được sự đồng ý của bác sĩ, mẹ có thể bắt đầu tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng, mỗi ngày vài phút. Sau đó, tăng từ từ cường độ và thời gian tập luyện. Đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, yoga… là những bộ môn phù hợp với mẹ sau sinh.  

Bên cạnh tập luyện thể chất, mẹ cũng cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Tích cực bổ sung trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Mỗi phụ nữ sau sinh có tốc độ giảm cân khác nhau. Thay vì so sánh bản thân với người khác, mẹ hãy tập luyện và ăn uống vui vẻ. Cho con bú cũng tăng tiêu thụ calo, giúp mẹ thu gọn vóc dáng nhanh hơn.

Thích nghi với những thay đổi của cơ thể

Nếu mẹ lo lắng hoặc có thắc mắc, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ. Ngoài ra, cơ thể mẹ sau sinh cũng trải qua nhiều thay đổi khác như: 

  • Ngực căng sữa

Ngực của mẹ sẽ căng tức vì xuống sữa trong vài ngày đầu sau sinh. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ cải thiện dần theo thời gian. Chườm nóng hoặc chườm lạnh bầu ngực giúp mẹ giảm bớt cảm giác khó chịu. Nếu bị đau núm vú, mẹ có thể sử dụng kem dưỡng chuyên dụng. Ngoài ra, cho con bú thường xuyên cũng giảm bớt cảm giác đau do cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể.

  • Táo bón

Sau sinh, mẹ có thể bị táo bón, trĩ hoặc tiểu buốt, són tiểu. Để hạn chế táo bón, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ nhằm kích thích hoạt động của ruột. Ngâm mông và tầng sinh môn với thảo dược hoặc nước ấm cũng giúp giảm đau do trĩ. Nếu muốn sử dụng thuốc trĩ hoặc thuốc chống táo bón, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cuối cùng, để điều chỉnh rối loạn tiểu tiện, mẹ nên uống nhiều nước và tập luyện bài tập Kegel để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.

  • Thay đổi tầng sinh môn

Tầng sinh môn là khu vực giữa hậu môn và âm đạo của mẹ. Vùng này thường dãn ra trong quá trình chuyển dạ. Trong một số trường hợp, bác sĩ chủ động cắt tầng sinh môn để giúp em bé chào đời thuận lợi hơn. Để hỗ trợ vùng này phục hồi sau sinh, mẹ nên chườm lạnh và tập luyện bài tập Kegel.

  • Đổ mồ hôi

Thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến đổ mồ hôi vào ban đêm. Mẹ có thể sử dụng điều hòa, quạt hoặc không đắp chăn để giúp cơ thể mát mẻ, dễ chịu hơn.  

  • Đau bụng do hồi tử cung

Tử cung co hồi khiến mẹ đau đớn, khó chịu, nhưng cơn đau này sẽ giảm dần theo thời gian. Mẹ có thể xin ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc giảm đau an toàn.

  • Sản dịch

Trong 2 - 4 tuần sau sinh, âm đạo sẽ ra sản dịch chứa máu và các mô còn sót lại trong tử cung. Mẹ nên sử dụng băng vệ sinh đến khi hết sản dịch.

Sử dụng băng vệ sinh đặt trong âm đạo (tampons) hoặc thụt rửa âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung. Do đó, mẹ không nên sử dụng những biện pháp này trong giai đoạn hậu sản hoặc tới khi có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu sản dịch có mùi hôi hoặc nhiều máu (băng vệ sinh bị thấm đầy trong vòng hai giờ), mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt. 

Kết luận:

Sau sinh, cơ thể và cuộc sống của mẹ có nhiều thay đổi nhưng tin vui là mọi thay đổi về cảm xúc, thể chất sẽ cải thiện dần theo thời gian. Mẹ đừng ngần ngại chia sẻ với Matida hoặc xin lời khuyên của bác sĩ về trầm cảm sau sinh, cách chăm sóc em bé cũng như quá trình phục hồi của cơ thể nhé!


Previous
Previous

Tất cả những điều mẹ cần biết khi cho con bú

Next
Next

Mẹ có thể con bú sau khi sinh mổ không?