Tất cả những điều mẹ cần biết khi cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ không phải bản năng hay chuyện dễ dàng, đặc biệt nếu mẹ sinh con đầu lòng. Không những vậy, mỗi em bé có khó khăn, sở thích và thói quen bú mẹ khác nhau nên mẹ không thể áp dụng mọi kinh nghiệm từ các mẹ khác. Tuy nhiên, tin vui là nếu mẹ kiên trì và được hỗ trợ đúng lúc, hành trình nuôi con bằng sữa mẹ chắc chắn sẽ thành công.

Khi nào bắt đầu cho con bú?

Mẹ nên cho con bú ngay sau sinh. Đừng quá lo lắng nếu con không bú được nhiều trong những ngày đầu. Cơ thể bé vẫn có đủ năng lượng dự trữ nên sẽ không bị đói. Mẹ cũng có thể nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên gia tư vấn sữa mẹ tại bệnh viện để biết cách bồng bế và cho trẻ ngậm bắt vú chính xác.

Khi nào bắt đầu cho con bú?

Tư thế cho con bú

Mẹ có thể lựa chọn bất kỳ tư thế nào, miễn là hai mẹ con cảm thấy thoải mái. Matida gợi ý cho mẹ 3 tư thế dễ thực hiện nhất dưới đây.

  • Tư thế ôm nôi: mẹ bế con bằng hai tay sao cho đầu và thân người của bé nằm trên một đường thẳng. Bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mặt bé đối diện với núm vú.

  • Tư thế ôm bóng: tư thế này phù hợp với các mẹ sinh mổ, khi vết thương chưa lành. Cho bé nằm bên phải hoặc bên trái cánh tay của mẹ sao cho miệng của bé ngang tầm với núm vú. Mẹ dùng tay thuận để đỡ đầu và gáy của bé, tay còn lại giữ bầu ngực.

  • Tư thế nằm: hai mẹ con nằm nghiêng, đầu của bé quay về phía vú mẹ. Hãy điều chỉnh tư thế nằm sao cho miệng của bé đối diện hoặc thấp hơn một chút so với núm vú của mẹ. Một tay của mẹ giữ bầu ngực, tay còn lại đỡ đầu hoặc ôm hông bé để giúp con bú dễ dàng hơn.

Mẹ có thể sử dụng gối cho con bú hoặc cuộn chăn, khăn tắm để kê bên dưới, nhằm giúp hai mẹ con nằm, ngồi thoải mái nhất.

Cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách

  1. Đặt bé nằm nghiêng và quay mặt về phía vú mẹ, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mẹ có thể đặt gối dưới lưng con để nâng đỡ em bé tốt hơn.

  2. Đặt ngón tay cái bên trên và 4 ngón tay còn lại phía dưới bầu vú. Dùng ngón tay trỏ nâng vú.

  3. Ngửa nhẹ đầu bé ra sau và di chuyển núm vú chạm vào môi của bé. Hãy chờ đến khi con há miệng thật to.

  4. Nhanh chóng đưa miệng bé vào vú sao cho môi dưới của con ở phía dưới núm vú.

  5. Khi ngậm bắt vú đúng, miệng con mở rộng và ngậm đầy vú mẹ. Cằm bé chạm vào vú mẹ. Môi dưới của con hướng ra ngoài. Miệng và lưỡi của con không chà xát hay làm đau da và đầu vú của mẹ.

Cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách

Bao lâu cho trẻ bú một lần?

Mẹ nên cho con bú mỗi hai giờ hoặc khi con khóc đòi ăn. Để báo hiệu giờ ăn đã đến, mẹ có thể dùng tay hoặc núm vú cù nhẹ vào khóe miệng của bé. Bé sẽ ngay lập tức há miệng và quay đầu về phía mẹ.

Trong những bữa bú đầu tiên, bé có thể bú rất ít (trong 5 phút) hoặc bú rất lâu (trong 45 phút). Mẹ đừng lo, điều này hoàn toàn bình thường. Sau vài lần, bé sẽ hiểu được rằng đây là nguồn dinh dưỡng ngọt lành cho mình, cũng như kiểm soát tốt kỹ năng ngậm bắt vú, bú và nuốt. Nhờ đó, con có thể bú liên tục 20 phút cho bầu vú mỗi bên.

Tất cả những điều mẹ cần biết về sữa mẹ

Vài ngày đầu sau sinh, mẹ sẽ tiết sữa non. Sữa non có màu vàng nhạt, hơi sánh và chứa nhiều kháng thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho con. Sau đó vài ngày, mẹ sẽ cảm thấy bầu ngực căng tức, nặng nề. Đây chính là hiện tượng xuống sữa. Cách tốt nhất để giảm bớt cảm giác khó chịu này là cho con bú thường xuyên. Ngoài ra, mẹ nên uống một cốc nước lớn trước khi cho con bú và duy trì chế độ ăn uống điều độ.

Hầu hết các mẹ cho con bú đều lo lắng không biết bé có ăn đủ sữa không. Khi con bú mẹ trực tiếp, mẹ không thể đong đếm thể tích sữa con bú để giải tỏa thắc mắc này. Tuy nhiên, mẹ có thể biết được con đang bú tốt thông qua động tác nuốt của con. Bên cạnh đó, nếu bé đi ngoài phân mềm, màu vàng kèm theo đi tiểu nhiều lần trong ngày (tổng số bỉm cần thay mỗi ngày ít nhất là 8 cái), nghĩa là con đang được nuôi dưỡng tốt. 

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo mà mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt:

  • Con bú ít, chỉ bú khoảng 10 phút hoặc ngắn hơn

  • Con quấy khóc không thể dỗ nín hoặc ngủ li bì

  • Vàng da

  • Phân của bé cứng và sẫm màu

Tất cả những điều mẹ cần biết về sữa mẹ

Làm thế nào để hạn chế căng tức sữa?

Mặc dù cho con bú thường xuyên, ngực của mẹ vẫn có thể bị căng sữa. Khi ngực quá căng, bé cũng khó ngậm bắt vú và mút sữa. Lúc này, mẹ nên áp dụng những mẹo dưới đây để giảm bớt cảm giác đau tức và giúp sữa xuống tốt hơn.

  • Chườm lạnh. Chườm lạnh bầu ngực là một biện pháp giảm đau hiệu quả. Mẹ có thể dùng khăn lạnh hoặc bọc đá trong khăn ẩm rồi chườm nhẹ nhàng lên hai bầu ngực.

  • Tắm nước ấm. Nước ấm kích thích các ống dẫn sữa co bóp và đẩy sữa ra ngoài. 

  • Hút sữa. Trước khi cho con bú, mẹ có thể dùng tay hoặc máy điện để hút một ít sữa ra ngoài. Cách này sẽ khiến bầu ngực của mẹ mềm hơn và em bé có thể dễ dàng bú mút.

  • Nằm sấp. Một vài mẹ cảm thấy cơn đau dịu đi khi nằm sấp.

Cần chuẩn bị những gì trước khi cho con bú?

Những đồ dùng dưới đây có thể giúp hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi hơn.

  • Áo lót không gọng. Mẹ nên lựa chọn áo lót không gọng để mặc thoải mái đồng thời không cản trở tuyến vú sản xuất sữa.

  • Kem bôi chuyên dụng cho núm vú làm dịu cảm giác đau đớn và giúp núm vú bị nứt nhanh lành.

  • Gối cho con bú. Những chiếc gối hữu ích này sẽ bảo vệ lưng của mẹ và hỗ trợ mẹ bế bé trong thời gian cho con bú.

  • Miếng lót thấm sữa giúp thấm hút sữa chảy ra, nhờ đó mẹ không phải thay nhiều áo mỗi ngày.

  • Máy hút sữa. Mẹ có thể lựa chọn máy hút sữa cầm tay hoặc máy hút sữa cắm điện. Tất cả những loại máy này đều hữu ích khi mẹ bị căng sữa hoặc muốn trữ sữa cho con.

Khi nào mẹ nên đi khám hoặc nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn sữa mẹ?

Những lần đầu cho con bú, khi con ngậm bắt vú chưa tốt, miệng và lưỡi của bé có thể chà xát và làm đau núm vú của mẹ. Tình trạng này sẽ cải thiện dần khi con biết cách ngậm bắt vú đúng. Nhưng nếu núm vú của mẹ bị nứt, chảy máu và đau liên tục, mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn sữa mẹ. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn mẹ cách cho con ngậm bắt vú, đồng thời giúp núm vú của mẹ mau lành.

Mẹ cũng nên đi khám trong trường hợp đau vú dữ dội, kèm theo vùng da quanh vú sưng, nóng, đỏ. Đây là biểu hiện của bệnh lý viêm vú, do vi khuẩn xâm nhập và nhân lên trong các ống dẫn sữa. Lúc này, mẹ nên tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. 

Previous
Previous

Top 10 shop đồ bầu MẶC XINH, GIÁ CHẤT cho mẹ bầu

Next
Next

Chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho mẹ sau sinh