Mẹ có thể con bú sau khi sinh mổ không? 

Sữa non chứa nhiều kháng thể tốt nhất cho hệ miễn dịch của bé sơ sinh. Mẹ có thể đang thắc mắc rằng liệu một lượng sữa non rất ít như vậy có đủ cho bé. Lượng sữa non tuy ít nhưng lại cung cấp nhiều năng lượng, phù hợp với dung tích dạ dày còn rất nhỏ của bé sơ sinh. Đối với những trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh trẻ đã có sẵn năng lượng dự trữ, nên mẹ không cần lo lắng. Tuy nhiên, đối với mẹ sinh mổ thì sao? Nhiều mẹ thắc mắc có thể cho con bú ngay sau sinh mổ được không? Hãy cùng Matida tìm hiểu nhé. 

Có thể cho con bú ngay sau khi sinh mổ không?

Hoàn toàn có thể cho con bú sau sinh mổ. Cùng với da kề da, bác sĩ khuyến khích mẹ cho con bú ngay sau sinh giúp con phát triển tốt và nhanh chóng làm quen với thế giới mới bên ngoài cơ thể mẹ. Ngay khi mẹ hồi tỉnh hoàn toàn và bé khỏe mạnh nằm bên cạnh mẹ, mẹ có thể bắt đầu cho con bú. Đối với các mẹ sau sinh mổ, có thể sẽ khó khăn trong việc vận động để tìm thấy tư thế thoải mái và ít tác động vết mổ nhất. Lúc này, nhân viên y tế hoặc người thân có thể giúp các mẹ thực hiện các động tác vận động tại giường để việc cho bé bú mẹ được dễ dàng. 

Nếu còn cảm thấy chóng mặt sau khi gây mê hoặc bé cần được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ có thể sẽ cần phải chờ để được gặp con lần đầu tiên. 12 giờ đầu tiên trôi qua mà vẫn chưa thể ở bên con, mẹ có thể được khuyên sử dụng máy hút sữa để vắt sữa non và bắt đầu kích sữa cho con bú.

Tư thế cho con bú nào là tốt nhất sau khi sinh mổ?

Ban đầu, mẹ có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi cho con bú sau khi sinh mổ (nhất là ngay sau khi thuốc giảm đau hết tác dụng). Có nhiều tư thế cho con bú sữa mẹ thoải mái và ít gây áp lực lên vết mổ, các mẹ sinh mổ có thể áp dụng:

  • Tư thế ôm nôi: mẹ bế con bằng hai tay sao cho đầu và thân người của bé nằm trên một đường thẳng. Bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mặt bé đối diện với núm vú.

  • Tư thế ôm bóng: tư thế này phù hợp với các mẹ sinh mổ, khi vết thương chưa lành. Cho bé nằm bên phải hoặc bên trái cánh tay của mẹ sao cho miệng của bé ngang tầm với núm vú. Mẹ dùng tay thuận để đỡ đầu và gáy của bé, tay còn lại giữ bầu ngực.

  • Tư thế nằm: hai mẹ con nằm nghiêng, đầu của bé quay về phía vú mẹ. Hãy điều chỉnh tư thế nằm sao cho miệng của bé đối diện hoặc thấp hơn một chút so với núm vú của mẹ. Một tay của mẹ giữ bầu ngực, tay còn lại đỡ đầu hoặc ôm hông bé để giúp con bú dễ dàng hơn.

Mẹ hãy thử từng tư thế để xem tư thế nào phù hợp và thoải mái nhất với mẹ nhé.

Bé giảm cân sau sinh mổ 

Em bé sinh mổ sẽ nặng hơn một chút do lượng chất lỏng được tiêm vào cơ thể mẹ. Sau khi sinh, con sẽ loại bỏ những chất lỏng dư thừa này qua việc đi tiểu nhiều và bé sinh mổ thường giảm nhiều cân hơn so với bé sinh thường.

Nếu bé chỉ sụt cân bình thường trong những ngày đầu sau sinh thì mẹ không cần quá lo lắng nhé, và cũng không cần thiết cho bé bú bình ngay lúc này, bú bình có thể làm chậm quá trình bú mẹ trực tiếp của bé.

Nếu cần thiết bổ sung sữa công thức cho con (theo chỉ định của bác sĩ), bác sĩ nhi hoặc chuyên gia tư vấn về sữa mẹ sẽ cho mẹ những lời khuyên hữu ích để kết hợp cho con bú bình và bú mẹ.

Sinh mổ có ảnh hưởng đến nguồn sữa không?

Mẹ sinh mổ có thể thấy sữa về muộn hơn, có thể do căng thẳng hậu phẫu. Matida mách nhỏ một số cách để có một nguồn sữa luôn dồi dào:

  • Da kề da với bé thường xuyên nhất có thể

  • Cho bé bú càng sớm càng tốt

  • Cho bé bú thường xuyên — khoảng ba giờ một lần, cả ngày lẫn đêm

  • Hút sữa trong vòng 12 giờ đầu tiên nếu không thể ở bên con để cho con bú, hoặc bị tắc sữa sau đó

Thuốc giảm đau có an toàn khi cho con bú sau khi sinh mổ không?

Mẹ sẽ được kể thuốc giảm đau sau khi sinh. Sử dụng thuốc trong liều lượng an toàn mà bác sĩ chỉ định sẽ giúp mẹ chống chịu với cơn đau tốt hơn và cho con bú “thuận buồm xuôi gió” hơn.

Bệnh tưa miệng (nhiễm trùng) do sử dụng kháng sinh khi sinh mổ

Chỉ định dùng thuốc kháng sinh sau khi sinh mổ có thể làm tăng khả năng trẻ sơ sinh bị tưa miệng hoặc bị nấm da. Mẹ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cho bé bằng cách:

  • Dùng men vi sinh

  • Làm sạch và khử trùng kỹ bình sữa, dụng cụ hút sữa và núm vú giả sau mỗi lần sử dụng

  • Để núm vú khô hoàn toàn sau và thay miếng lót sau mỗi lần cho con bú.

Nếu mẹ bị tưa miệng, nhiễm trùng có thể lây từ mẹ sang con. Vì vậy, hãy đi khám ngay và sử dụng thuốc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ mẹ nhé.

Previous
Previous

Chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho mẹ sau sinh

Next
Next

Đo độ mờ da gáy - Các chỉ số có ý nghĩa gì?