Căng thẳng, lo lắng khi có bầu và những lưu ý cho mẹ

Lo lắng khi có bầu là khi mẹ trải qua nỗi lo lắng quá mức trong thai kỳ và làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mẹ. Nguyên nhân có thể do thiếu ngủ, thay đổi nội tiết tố, từng bị sảy thai hoặc do trải nghiệm mang thai hay sinh nở trước đó. Các triệu chứng lo lắng khi mang thai bao gồm: cảm thấy cáu kỉnh hoặc bồn chồn, mẹ không thể kiểm soát được những lo lắng của mình, không thể tập trung hoặc bị khó ngủ. Phương pháp điều trị thích hợp có thể làm giảm các triệu chứng này và nguy cơ mắc các biến chứng khác, đồng thời giúp mẹ chăm sóc bản thân và em bé tốt hơn.

Lo lắng và sợ hãi là những phản ứng tự nhiên đối với một số tình huống nhất định, bao gồm cả việc mang thai. Cảm thấy lo lắng hơn bình thường một chút là điều rất bình thường. Cho dù đây là đứa con đầu lòng của mẹ hay mẹ sắp có thêm thành viên mới trong gia đình, cuộc sống của mẹ sắp thay đổi đáng kể theo cách mà mẹ không thể kiểm soát.

Tuy nhiên, lo lắng khi có bầu có thể trở nên khó có thể kiểm soát và cản trở cuộc sống hàng ngày của mẹ. Nếu sự lo lắng và sợ hãi bắt đầu xâm chiếm tâm trí của mẹ thì mẹ đọc ngay bài viết này nha.

Nguyên nhân gây ra lo lắng khi có bầu?

Lo lắng là một vấn đề tâm lý rất phổ biến, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị rối loạn lo âu trong hoặc sau khi mang thai.

Lo lắng khi có bầu có thể do:

  • Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ và khiến mẹ dễ lo lắng hơn

  • Khó ngủ – tình trạng phổ biến khi mang thai, có thể làm cho các triệu chứng lo lắng trở nên tồi tệ hơn

  • Trước đây từng bị sảy thai hoặc sinh nở đau đớn, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD, một loại rối loạn lo âu)

  • Được chẩn đoán có biến chứng khi mang thai như tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật

  • Lo lắng các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mẹ như sức khỏe của em bé, ảnh hưởng của việc sinh thường đối với âm đạo và đáy chậu, những thay đổi của cơ thể khi mang thai, khả năng cho con bú, quản lý tài chính, hoặc kĩ năng làm cha mẹ

  • Các bệnh lý khác như cường giáp, bệnh tim mạch hoặc hô hấp, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng lo âu

mẹ bầu cảm thấy đau đầu khi có bầu

Các triệu chứng lo lắng khi có bầu gồm:

  • Căng cơ

  • Nghiến răng

  • Khó ngủ, ngay cả khi mẹ mệt mỏi

  • Cảm giác sợ hãi dữ dội cấp tính kèm theo các triệu chứng như tim đập nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi, run rẩy, hoặc buồn nôn, điều đó có thể cho thấy là mẹ đang hoảng loạn

Lo lắng thường xảy ra đồng thời với các vấn đề sức khỏe tinh thần khác, chẳng hạn như trầm cảm. Ngoài ra, mẹ cũng có khả năng mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) trong thai kỳ, bao gồm việc có những suy nghĩ hoặc thôi thúc không mong muốn lặp đi lặp lại, hành động hoặc nghi thức tinh thần để ngăn tình trạng ám ảnh hoặc sợ hãi xảy ra. Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi em bé ra đời.

Những nguy cơ gây lo lắng khi mang bầu

Mặc dù không có cách nào để dự đoán ai sẽ trải qua cảm giác lo lắng khi có thai, nhưng nghiên cứu cho thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng lo lắng khi có bầu bao gồm:

  • Tiền sử lo lắng trầm trọng hoặc trầm cảm

  • Tiền sử gia đình bị rối loạn sức khỏe tâm thần

  • Trải qua những sự việc căng thẳng trong lúc mang thai như mất việc làm hoặc các vấn đề trong mối quan hệ với bạn đời

  • Thiếu hụt về tài chính 

  • Tiền sử phá thai, sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu

  • Mang thai ngoài ý muốn

  • Mang đa thai

Lo lắng khi có bầu có ảnh hưởng đến em bé không?

Chứng lo lắng khi mang thai có thể điều trị được, do đó mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ sớm nhất có thể vì sự lo lắng dai dẳng trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe và sự phát triển của em bé trong tương lai.

Đối với em bé, các nghiên cứu chỉ ra rằng sự lo lắng của người mẹ trong thời kỳ mang thai không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng sinh non, nhẹ cân và hạn chế tăng trưởng của thai nhi. Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng lo lắng trước khi sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu, các vấn đề về cảm xúc, hiếu động thái quá và suy giảm phát triển nhận thức của trẻ trong tương lai.

Đối với mẹ bầu, lo lắng khi có bầu mà không được điều trị có thể làm tình trạng buồn nôn và nôn trở nên tồi tệ hơn. Lo lắng cũng có thể khiến mẹ khó chăm sóc bản thân và con nhỏ cũng như khó gắn bó với con hơn sau khi bé chào đời và có thể dẫn đến chứng lo âu sau sinh.

Lựa chọn liệu pháp điều trị chứng lo âu khi có bầu

Có nhiều cách khác nhau để điều trị chứng lo âu khi có thai, phổ biến thường là liệu pháp nói chuyện và/hoặc dùng thuốc nếu chứng lo âu của mẹ nghiêm trọng.

Bất cứ khi nào mẹ cảm thấy không thể đối mặt hoặc có ý nghĩ làm hại bản thân, hãy tìm đến sự giúp đỡ ngay lập tức từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Liệu pháp trò chuyện

Đôi khi chỉ cần nói chuyện với ai đó cũng có thể giúp mẹ cảm thấy tốt hơn. Đó có thể là bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa sức khỏe phụ nữ.

Sẽ rất khó để mẹ nói về những nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của bản thân, đặc biệt nếu mẹ lo lắng về những gì người khác có thể nghĩ về mẹ. Nhưng hãy cố gắng thành thật nhất có thể với bác sĩ trị liệu về cảm giác của mẹ.

Mẹ có thể sẽ được đề xuất một loại liệu pháp trò chuyện được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Nghiên cứu cho thấy CBT có hiệu quả trong việc điều trị chứng rối loạn lo âu vì nó dạy cho mẹ cách suy nghĩ, phản ứng và hành xử mới trong những tình huống căng thẳng.

Với CBT, mẹ và bác sĩ trị liệu sẽ thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của mẹ đối với các tình huống giả định hoặc thực tế. Chuyên gia trị liệu của mẹ sẽ chỉ ra suy nghĩ hoặc hành vi không có lợi cho mẹ và giúp mẹ nhận ra chúng và phản hồi theo một cách khác.

một cặp vợ chồng trẻ ngồi trên sofa người chồng đặt tay lên bụng người vợ đang có bầu của mình cả hai đang trò chuyện vui vẻ và cười với nhau

Thuốc

Nếu thuốc là lựa chọn phù hợp với mẹ, hãy thảo luận những ưu và nhược điểm với chuyên gia để xác định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Nếu mẹ đang dùng thuốc, đừng ngừng dùng thuốc mà không nói trước với bác sĩ. Ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến tái phát hoặc gây ra tác dụng phụ.

Có hai loại thuốc chính được sử dụng để điều trị chứng lo âu khi mang thai:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) được kê đơn để điều trị trầm cảm. Các thuốc SSRI thường được kê đơn để điều trị chứng lo âu gồm fluoxetine, sertraline, citalopram và paroxetine.

  • Thuốc Benzodiazepin được kê toa để kiểm soát các cơn lo âu hoặc hoảng loạn nghiêm trọng một cách thận trọng hơn trong thời kỳ mang thai, vì những loại thuốc này có thể tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân. Nếu sử dụng gần thời điểm sinh con, chúng có thể gây ra Hội chứng cai nghiện benzodiazepine, khó thở và các vấn đề về ăn uống ở trẻ sơ sinh.

Nếu bác sĩ khuyên dùng bất kỳ loại thuốc chống lo âu nào, họ sẽ theo dõi sát sao tiến trình của mẹ trong suốt thai kỳ.

Một số biện pháp khắc phục bằng thảo dược được quảng cáo là có thể giúp giảm các triệu chứng lo âu, nhưng tốt nhất mẹ nên tránh chúng trong thời kỳ mang thai trừ khi được chuyên gia đề xuất. Có rất ít nghiên cứu về sự an toàn của chúng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.

Các thảo dược “tự nhiên” không có nghĩa là sẽ vô hại: Một vài loại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ hoặc con mẹ trong thời kỳ mang thai. Các chất bổ sung cũng không được quản lý chặt chẽ như thuốc hoặc được Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm (FDA) phê duyệt, chúng có thể không chứa các thành phần hoặc hàm lượng thành phần được liệt kê trên nhãn.

Có cách nào khác để tôi có thể xoa dịu sự lo lắng của mình khi có bầu hay không?

Lo lắng liên tục khi có bầu có thể khiến mẹ mệt mỏi. Ngoài việc gặp bác sĩ chuyên khoa hay dùng thuốc, mẹ có thể thực hiện những gợi ý sau:

  • Chăm sóc bản thân: sẽ giúp mẹ giảm bớt lo lắng khi mang thai. Cố gắng nghỉ ngơi hoặc giải lao trong ngày, kể cả khi mẹ chỉ đọc tạp chí hoặc xem TV. Ngoài ra, mẹ nên tránh đặt kỳ vọng quá cao cho bản thân hoặc gia đình của mình.

  • Thư giãn: Nghiên cứu cho thấy thực hành thiền định chánh niệm có thể giúp giảm bớt lo lắng về chuyển dạ và giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh. Thiền, châm cứu và xoa bóp trước khi sinh có thể giúp mẹ thư giãn và giảm bớt cảm giác lo lắng.

  • Trò chuyện và chia sẻ: Chia sẻ cảm giác của mẹ với những người mà mẹ tin tưởng. Mẹ có thể nói chuyện với bạn đời, gọi điện cho mẹ hoặc trò chuyện với các bà mẹ khác trong Cộng đồng Matida. Và đừng ngần ngại nhờ những người thân yêu giúp đỡ công việc nhà hoặc các việc khác nhé.

  • Tập trung vào giấc ngủ: Mang thai có thể khiến mẹ ngủ không ngon, nhưng giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ. Ưu tiên nghỉ ngơi và tìm giải pháp giúp mẹ ngủ ngon hơn, ví dụ như một chiếc gối thoải mái chuyên dụng cho mẹ bầu chẳng hạn.

  • Vận động: Tập thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy não giải phóng các hormone có thể làm giảm bớt cảm giác lo lắng và trầm cảm, đồng thời giúp mẹ thoát khỏi những lo lắng. Mặc dù tập thể dục thường được coi là rất an toàn và tốt cho sức khỏe khi mang thai, nhưng mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đúng loại thực phẩm có thể tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất của mẹ. Mẹ cần cố gắng tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau, và cá. Ăn đủ protein để giữ cho lượng đường trong máu của mẹ ổn định. Đồng thời, nạp carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt và đậu có thể làm tăng nồng độ serotonin trong não và tăng cảm giác bình tĩnh. Và đừng quên chú ý đến dị ứng thực phẩm nhé, vì chúng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ đấy.

  • Trang bị kiến thức cần thiết: Một phần của sự lo lắng đến từ việc buộc phải đối mặt với những điều chưa biết và cảm giác không kiểm soát được mọi thứ. Vì vậy, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, dù chỉ một tiếng đồng hồ, để đọc thông tin về thai kỳ, tham gia các lớp học, chuẩn bị nhà trẻ hoặc làm bất cứ điều gì khác giúp mẹ cảm thấy sẵn sàng hơn.

Previous
Previous

Ở cữ sau sinh - Mẹ cần chú ý điều gì

Next
Next

Mẹ cẩn trọng với cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai và cho con bú