Ở cữ sau sinh - Mẹ cần chú ý điều gì

Sau khoảng thời gian dài mang thai và sinh con, cơ thể mẹ cần thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe cũng như những tổn thương gặp phải. Thời gian này được gọi là thời gian kiêng cữ sau sinh.

Nhiều quan niệm về ở cữ sau sinh đã thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, mẹ có thể tham khảo bài viết dưới đây để có thể lên kế hoạch hợp lý cho mình. 

1. Thời gian kiêng cữ sau sinh bao nhiêu là phù hợp?

Theo quan niệm dân gian, sau khi người mẹ sinh con sẽ để lại một khoảng trống trong cơ thể. Gió lạnh và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, làm cơ thể suy yếu và dễ nhiễm bệnh. 

Điều này đồng nghĩa với việc, trong thời gian ở cữ sau sinh, mẹ nên giữ ấm cho cơ thể, tránh chạm vào đồ vật lạnh, uống lạnh hoặc ăn thức ăn lạnh. Ngày xưa, phụ nữ sau sinh cần ở cữ khoảng 3 tháng (hoặc dài hơn). Trong thời gian này, người phụ nữ phải ở trong phòng kín, hạn chế tiếp xúc với mọi người, tránh làm việc hoặc tắm rửa.

Nhưng ngày nay, với sự phát triển của y học, các bác sĩ khuyên phụ nữ sau sinh nên kiêng cữ khoảng 1 tháng, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại và mẹ có thể trở lại công việc sớm. Trong thời gian này, mẹ cần tuân thủ một số điều về dinh dưỡng, sinh hoạt để cơ thể phục hồi tốt, cung cấp đủ sữa cho trẻ sơ sinh. Ngoài sự cố gắng của bản thân, người chồng và gia đình cũng là tác nhân quan trọng giúp mẹ bầu sau sinh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

2. Một số điều cần làm khi kiêng cữ sau sinh

Trong thời gian kiêng cữ sau sinh, Matida gợi ý cho mẹ những điều sau đây sẽ giúp mẹ bầu nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ hợp lý.

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nhiều mẹ mới sinh muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng, thế nhưng, trong thời gian ở cữ sau sinh, mẹ không nên kiêng khem quá mức mà vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng thiết yếu để sức khỏe phục hồi và tạo sữa nuôi con. 

Theo y học cổ truyền, có một số loại thực phẩm có tính nhiệt giúp tăng sức đề kháng và hồi phục lượng máu bị mất sau sinh. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm đủ 5 nhóm thực phẩm, sạch, và được nấu chín kĩ: nước hầm xương, gừng, gà và trứng thả vườn, rau xanh, gạo lứt, yến mạch, thêm các loại rau thơm và thảo mộc,...

Nhiều người cho rằng phụ nữ sau sinh nên ăn đồ khô, mặn để da thịt săn chắc. Tuy nhiên việc ăn mặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của mẹ, gây táo bón, tăng huyết áp. Một số thực phẩm phụ nữ sau sinh nên tránh như: thức ăn lên men, đồ ăn sống, đồ lạnh, thực phẩm chế biến sẵn,…

  • Không tập thể dục nặng

Tập thể dục giúp mẹ bầu giảm cân, nhanh chóng lấy lại vóc dáng, song tập thể dục quá mức lại khiến cơ thể mệt mỏi, khó phục hồi. Đặc biệt với sản phụ sinh mổ, việc vận động để lưu thông khí huyết rất quan trọng. Mẹ nên đi bộ chậm rãi, thực hiện các động tác vừa phải trong thời gian này. 

Sau khi sinh, mẹ không nên lao động, làm việc năng ngay. Việc khiêng vác, lao động nặng khiến cơ bụng hoạt động, tác động tới vết mổ bụng hoặc tổn thương tầng sinh môn chưa phục hồi. Việc rướn người, giơ tay cao cũng cần hạn chế.

  • Nhờ giúp đỡ 

Việc ở cữ không nhất thiết phải hạn chế hoàn toàn tiếp xúc với mọi người và bắt buộc mẹ phải tự làm mọi thứ một mình. Tìm kiếm cho mình sự giúp đỡ là vô cùng cần thiết, nhất là trong tuần đầu tiên. Mẹ có thể nhờ các thành viên gia đình giúp đỡ các công việc trong nhà, nấu ăn, chăm sóc các bé lớn,... Điều này sẽ giúp mẹ bớt bận rộn và có thêm nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho em bé mới sinh cũng như bản thân mình, giúp mẹ phục hồi nhanh hơn. 

  • Dành thời gian nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc ở giai đoạn kiêng cữ sau sinh rất quan trọng. Giấc ngủ giúp giảm căng thẳng sau sinh, tinh thần thoải mái dễ chịu và giúp cơ thể tiết nhiều sữa hơn để nuôi trẻ.

Ngoài ra, hạn chế sử dụng laptop, điện thoại, máy tính bảng, tivi,… để tránh ảnh hưởng đến thị lực cũng như sự phát triển của trẻ.

  • Tránh nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh

Trong thời gian kiêng cữ sau sinh, khi cơ thể còn yếu, mẹ tuyệt đối lưu ý không tắm nước lạnh hoặc đi bơi vì dễ gây cảm lạnh, nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh. Thường sau 3 - 4 ngày, mẹ có thể lau người, tắm rửa bằng nước ấm để vệ sinh cơ thể. Nên tắm hoặc lau người bằng nước ấm trong phòng kín gió, không ngâm nước quá lâu. 

Ngoài ra, sau khi tắm mẹ có thể xông hơi bằng lá tía tô, vỏ cam, vỏ bưởi,… để làm ấm cơ thể, giúp cơ thể bài tiết chất thải tốt hơn.

Nên thiết kế phòng nghỉ của mẹ và trẻ rộng rãi, kín gió, sạch sẽ và không có tiếng ồn để có thể nghỉ ngơi tốt nhất.

3. Dấu hiệu mẹ nên đi khám bác sĩ

Trong thời gian kiêng cữ sau sinh, nếu mẹ gặp phải các triệu chứng bất thường sau thì nên sớm đi khám bác sĩ:

  • Đau đầu dữ hội, thay đổi thị giác.

  • Sốt cao trên 38°C.

  • Sản dịch ra nhiều bất thường, có chứa cục máu đông.

  • Dịch âm đạo có mùi hôi.

  • Tiểu buốt, tiểu són, không kiểm soát được vấn đề tiểu tiện.

  • Tâm lý hoảng loạn, có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, đặc biệt là có ý nghĩ tự sát hoặc làm hại trẻ.

  • Vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn bị sinh đỏ, chảy mủ.


Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo vấn đề tâm lý hoặc sức khỏe của mẹ, không để tình trạng này diễn biến kéo dài gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chồng và người thân cũng cần chăm sóc hỗ trợ mẹ bầu trong giai đoạn này, giúp mẹ vượt qua khó khăn và nuôi dạy trẻ tốt nhất.


Previous
Previous

Hiểu về cơn gò tử cung - Phân biệt chuyển dạ giả và chuyển dạ thật

Next
Next

Căng thẳng, lo lắng khi có bầu và những lưu ý cho mẹ