Sự phát triển của thai nhi tuần 28

Chào mừng mẹ đến với tuần 28 của thai kỳ.

Vậy là tam cá nguyệt thứ ba đến với mẹ rồi đây. Ở giai đoạn này, có thể mẹ sẽ đi khám hai tuần một lần cho đến khi được 36 tuần, sau đó là mỗi tuần một lần cho đến khi sinh.

Có thể mẹ không có tâm trạng ăn mừng nếu đang đối mặt với các triệu chứng phổ biến ở tuần 28 như đau lưng hay đau thần kinh tọa. Tuy vậy, hy vọng rằng mẹ vẫn khá thoải mái khi đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Em bé ngày càng tiến bộ hơn và bây giờ có thể chớp mắt và thậm chí là mơ.

Em bé ở Tuần 28

Em bé tuần này đang ổn định ở vị trí thích hợp để chào đời, đầu sẽ hướng xuống lối ra. Những ngày này, bé rất bận rộn tập tành chớp mắt vì khi bước ra thế giới bên ngoài, hành động này cần thiết giúp loại bỏ dị vật khỏi mắt. Đó chỉ là một trong những kĩ năng ấn tượng mà bé đang thực hành, chưa kể đến bé đã có thể ho, mút mạnh hơn, nấc cụt và quan trọng nhất là thở tốt hơn.

Mẹ có nằm mơ thấy con khi mang thai được 28 tuần? Em bé cũng có thể đang mơ về mẹ đấy. Hoạt động sóng não đo ở thai nhi đang phát triển đã cho thấy việc hình thành các chu kỳ giấc ngủ, bao gồm chu kỳ chuyển động mắt nhanh (REM) - giai đoạn các giấc mơ xuất hiện.

Thai nhi tuần 28 có kích thước như quả mướp đắng

Mẹ ở Tuần 28

Rất có thể đã qua rồi giai đoạn “thoải mái” của thời kỳ mang thai. Giờ đây, việc em bé đạp (hoặc không đạp) có thể khiến mẹ thức đêm, bàn chân bị sưng tấy, mẹ lại cảm thấy mệt mỏi và chứng đau lưng trở nên dai dẳng.

Khi bé con đã ổn định tư thế sinh, đầu của bé và tử cung đang to lên có thể đè lên dây thần kinh tọa ở phần dưới cột sống, khiến mẹ cảm thấy đau buốt, nhói, ngứa ran hoặc tê bắt đầu ở mông và lan xuống phía sau chân - gọi là đau thần kinh tọa. Cơn đau thần kinh tọa đôi khi khá dữ dội, có thể qua đi nếu em bé thay đổi tư thế, nhưng cũng có thể kéo dài cho đến khi mẹ sinh xong.

Một miếng đệm sưởi ấm, một bồn tắm nước ấm, bài tập dãn cơ hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi trên giường có thể giúp mẹ giảm bớt sự khó chịu.

Lời khuyên tuần này

Trong tam cá nguyệt thứ ba, mẹ có thể quan sát thấy đầu ti có những đốm trắng nhỏ li ti như mụn, ngực căng cứng và đau khiến mẹ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, chính là những dấu hiệu có sữa non.

Sữa non được cho là “vàng lỏng” vì ngoài lượng dinh dưỡng dồi dào, nó còn chứa một lượng lớn các kháng thể tự nhiên làm tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ đường tiêu hóa và ngăn chặn các tác nhân gây bệnh cho bé. Không phải tất cả mẹ bầu đều có sữa non ở tháng thứ 7, nhưng nếu có thì cũng không cần phải lo lắng vì hormone prolactin đang hoạt động và cơ thể mẹ đã sẵn sàng cho bé bú. Nếu việc rỉ sữa làm mẹ khó chịu, hãy lót miếng lót thấm sữa vào áo ngực của mẹ nhé.

Nhắc nhở tuần này

  • Lên lịch khám thai tuần 30

  • Hỏi bác sĩ về những thay đổi ở ngực

  • Đếm những cú đạp của bé

  • Đặt lịch tham quan bệnh viện

  • Chuẩn bị các chi phí

  • Tìm hiểu các phương pháp giảm đau cho ngày vượt cạn

  • Học các khóa học thai sản (chăm sóc trẻ sơ sinh, hô hấp tim phổi CPR, cho con bú,...)

Previous
Previous

Sự phát triển của thai nhi tuần 29

Next
Next

4 dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng đầu mẹ cần đi khám ngay