Que thử thai dương tính? Đây là việc mẹ cần làm

Điều đầu tiên mẹ cần làm khi biết mình có thai là gì?

Mẹ nhận thấy những dấu hiệu của việc mang thai? Buồn nôn, đau ngực, chảy máu nướu răng, mệt mỏi? Mẹ cảm thấy phấn khích, sợ hãi, hạnh phúc, căng thẳng, lo âu — hoặc tất cả cùng một lúc. Matida biết rất rõ rằng việc mang thai sẽ thay đổi cuộc sống của mẹ mãi mãi. Mẹ đang đứng trước ngưỡng cửa của một trải nghiệm mới vô cùng phong phú.

Mẹ có thể loay hoay không biết nên làm gì ở giai đoạn đầu này, đừng lo, đọc ngay một số kinh nghiệm dưới đây từ Matida:

Thử thai tại nhà

Trước hết, mẹ cần biết mình có thực sự đang mang thai hay không. Hãy mua que thử thai ở các nhà thuốc uy tín để kiểm tra chính xác. Que thử thai là bước xác nhận đầu tiên, kết quả thử thai sẽ giúp mẹ yên tâm trong thời kỳ đầu mang thai, trước cả khi mẹ được chăm sóc thai sản từ bác sĩ hay hộ sinh.

Làm gì nếu mẹ đang mang thai: Chăm sóc thai sản trong thời kỳ đầu mang thai

Mẹ sẽ thắc mắc về cách chăm sóc cơ thể khi đang mang thai. Có nên sử dụng dịch vụ chăm sóc thai sản càng sớm càng tốt không? Cần kiêng cữ những thực phẩm gì? Có nên sử dụng các loại vitamin tổng hợp cho phụ nữ mang thai?

1. Uống vitamin tổng hợp dành cho mẹ bầu và tận hưởng cuộc sống

Không có điều gì đặc biệt cần lưu ý trong việc chăm sóc cơ thể của mẹ vào thời kỳ đầu mang thai. Cứ tận hưởng cuộc sống thôi! Ngoài ra, hãy ăn thực phẩm chất lượng nếu mẹ không cảm thấy buồn nôn do thai nghén. Hãy nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi và tin rằng cơ thể đang chăm sóc mẹ bằng mọi cách.

2. Đặt hẹn chăm sóc thai sản lần đầu – Đừng căng thẳng!

Khi nào nên bắt đầu chăm sóc thai sản? Hầu hết các dịch vụ sản khoa bắt đầu việc khám thai vào tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Tuy nhiên, một vài yếu tố rủi ro có thể khiến mẹ phải đi khám sớm hơn, chẳng hạn như mẹ đã từng mang thai ngoài tử cung hoặc đã sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản để có thai.

Mẹ không cần phải đăng ký chăm sóc thai sản ngay khi vừa mang thai. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể nếu mẹ muốn. Nếu mẹ cảm thấy không khỏe hoặc ốm nghén, mẹ không cần phải chịu đựng điều đó. Hãy đăng ký dịch vụ sản khoa để được chăm sóc tốt hơn các vấn đề mà mẹ có thể gặp phải trong tam cá nguyệt thứ nhất như buồn nôn, lo lắng, mệt mỏi cực độ hoặc các triệu chứng khác. Ngoài ra, nếu mẹ lo lắng hoặc băn khoăn về việc mang thai của mình, mẹ có thể thực hiện siêu âm sản khoa. Thông thường, siêu âm sẽ cho thấy hình ảnh trong tử cung vào khoảng 5,5 đến 6 tuần tuổi thai và tim thai có thể sẽ nhìn thấy hoặc nghe được vào khoảng 7 đến 8 tuần tuổi thai. Siêu âm không phải là biện pháp lâm sàng được khuyến nghị thường xuyên trong thời kỳ đầu mang thai, nhưng đó có thể là điều mẹ mong muốn.

3. Xét nghiệm hCG để yên tâm hơn

Trong thời kỳ đầu mang thai, có thể đo nồng độ hCG (human Chorionic Gonadotropin - một loại hormone được tạo ra trong nhau thai sau khi trứng được thụ tinh và bám vào thành tử cung) trong máu, nồng độ này sẽ tăng lên trong tam cá nguyệt thứ nhất. Nồng độ hCG thường tăng gấp đôi mỗi 48 đến 72 giờ sau khi thụ tinh, vì vậy việc đo nồng độ hCG trong máu giúp phụ nữ mang thai yên tâm hơn, phòng tránh các nguy cơ cũng như phát hiện sớm các biến chứng như mang thai ngoài tử cung.

Nếu từng bị sảy thai, có cần chăm sóc y tế sớm hơn trong lần mang thai tiếp theo không? Trên thực tế là không. Sảy thai một lần không làm tăng nguy cơ sảy thai lần nữa. Nguyên nhân chính của phần lớn các trường hợp sảy thai là do đột biến nhiễm sắc thể. Lúc đó, cơ thể sẽ tự nhận ra và kết thúc nó. Thông thường, cứ 4 ca mang thai thì có 1 ca sảy thai. Nếu mẹ nghi ngờ mình bị sảy thai hoặc mẹ bắt đầu có các triệu chứng như đau hoặc chảy máu, hãy liên hệ dịch vụ chăm sóc y tế sớm nhất.

Sức khỏe cảm xúc và tinh thần trong thời kỳ đầu mang thai

Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mẹ trong thời gian đầu của thai kỳ? Phần lớn lo âu sau khi mẹ biết mình mang thai xuất phát từ sự không chắc chắn. Luôn có những điều khó có thể xác định trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhất là lúc vừa bắt đầu. Không thể biết chính xác quá trình mang thai của mẹ tiến triển như thế nào. Đối với nhiều người, việc chấp nhận sự không chắc chắn này là điều vô cùng khó khăn.

Hãy nghỉ ngơi và thư giãn. Tập thể dục hay tham gia các hoạt động mà mẹ thích. Thậm chí đăng ký những buổi tham vấn, trị liệu tâm lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy tiếp tục cuộc sống của mẹ theo cách bình thường nhất có thể, nhất là trước khi các dấu hiệu mang thai sớm xuất hiện như buồn nôn, mệt mỏi hoặc đi tiểu thường xuyên. (Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không phải ai cũng có những triệu chứng này, kể cả khi không có chúng thì nó không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của mẹ).

Tìm một người mẹ đáng tin cậy để tâm sự trong vài tuần hay tháng đầu tiên khi mang thai có thể sẽ giúp ích cho mẹ rất nhiều (đặc biệt nếu mẹ không cảm thấy thoải mái khi nói với nhiều người về việc mang thai của mình ở thời điểm này). Đó có thể là một người đã có kinh nghiệm (với lời khuyên hữu ích) hoặc bất kỳ ai thực sự lắng nghe và tôn trọng mẹ.

Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu mang thai, hãy yêu thương và tự chăm sóc bản thân mẹ thật tốt về mọi mặt cả tinh thần, cảm xúc và thể chất. Mẹ đang bước vào giai đoạn với những trải nghiệm đặc biệt nhất và mãnh liệt nhất trong cuộc đời mình — chính vì vậy, bây giờ là lúc để ổn định tinh thần, thiền định và yêu thương bản thân.

Previous
Previous

Ốm Nghén: Cảm giác Buồn Nôn Khi Mang Thai Như Thế Nào?

Next
Next

Địa Chỉ "Nhà Tạm Lánh" Khu Vực Miền Nam - Dành Cho Phụ Nữ Mang Thai Cần Nơi Nương Tựa Để Sinh Con