Mẹ bầu cảnh giác khi COVID quay trở lại

Mang thai có lẽ là một khoảng thời gian vô cùng mới mẻ và thú vị. Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, các mẹ bầu trở nên lo lắng, vì thế sự chuẩn bị kĩ càng là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, Matida sẽ giúp giải đáp những câu hỏi thường gặp để mẹ có thể đảm bảo một thai kỳ an toàn.

Mang thai và vắc-xin COVID-19

Việc phát triển vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả là một bước tiến lớn trong nỗ lực chấm dứt đại dịch. Dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp về việc mang thai và vắc-xin COVID-19.

Mặc dù nguy cơ chung mắc bệnh do COVID-19 vẫn còn thấp, nhưng việc mang thai khiến mẹ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.

Vắc-xin COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc xin nào, kể cả vắc-xin COVID-19, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ hoặc nam giới. Nếu đang cố thụ thai, mẹ không cần phải kiêng dè việc mang thai sau khi tiêm vắc-xin COVID-19.

Tôi có nên tiêm vắc-xin COVID-19 nếu đang cho con bú không?

WHO khuyến cáo rằng nên tiêm vắc-xin nếu phụ nữ đang cho con bú thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin, chẳng hạn nếu là nhân viên y tế. Mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú sau khi tiêm và tiêm vắc-xin là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ con khỏi bệnh tật và giúp trẻ khỏe mạnh.

Mang thai an toàn trong đại dịch COVID-19

Có an toàn để tiếp tục kiểm tra trước khi sinh?

Nhiều bà mẹ tương lai sợ đến các cuộc hẹn trong khi họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như ở nhà và giữ khoảng cách khi ra ngoài.

Mẹ nên tìm hiểu trước về địa chỉ thăm khám, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh phù hợp với tiêu chí của mình (gần nhà, liên lạc online,...). Sau khi con chào đời, điều quan trọng là mẹ phải tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và chỉ dẫn chuyên môn từ bác sĩ, bao gồm cả tiêm chủng định kỳ cho con. Vì vậy, hãy tìm hiểu để đảm bảo có những cuộc hẹn an toàn và đẩy đủ cho cả mẹ và con nhé.

Tôi bị COVID-19 có lây truyền sang con không?

Vẫn chưa có nghiên cứu chỉ ra liệu vi-rút có thể truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai hay không. Vi-rút COVID-19 chưa được tìm thấy trong dịch âm đạo, máu cuống rốn, sữa mẹ, hay thậm chí trong nước ối hoặc nhau thai (thông tin vẫn đang được cập nhật).

Điều tốt nhất mẹ có thể làm ngay lúc này là thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn mình nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu đang mang thai hoặc vừa mới sinh con và cảm thấy không khỏe, mẹ nên nhanh chóng đi khám và nghe theo chỉ định của bác sĩ.

Thành viên gia đình có thể ở gần khi tôi sinh con không?

Việc có người ở bên cạnh để hỗ trợ mẹ lúc “vượt cạn” sẽ là nguồn động viên, sự hỗ trợ lớn về mặt tinh thần giúp mẹ giảm bớt lo lắng, sợ hãi và cơn đau đẻ. Còn gì ý nghĩa hơn khi được cùng những người thân nhất (có thể là bạn đời, mẹ, chị gái,...) chào đón đứa con bẻ bỏng khi cất tiếng khóc chào đời. Chỉ cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa theo chỉ dẫn từ nhân viên y tế (rửa tay, đeo khẩu trang).

Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng về việc sinh nở. Tôi nên làm gì để đối phó?

Lên kế hoạch sinh có thể giúp mẹ giảm bớt cảm giác lo lắng (chẳng hạn như sẽ gọi điện cho ai khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, ai sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dạ và ở đâu,...). Nhưng không ai có thể dự đoán chuyện gì có thể xảy ra, vì vậy điều quan trọng là mẹ chăm sóc bản thân và giữ cho mình tinh thần thoải mái. Mẹ cũng có thể thực hiện các bài tập dãn cơ sàn chậu đơn giản hay tập thở để thư giãn.

Tôi nên hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe của mình những câu hỏi nào?

Hãy cứ thoải mái đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt với bác sĩ, điều này hoàn toàn vì sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí mẹ có thể note sẵn những câu hỏi trước khi gặp bác sĩ. Matida gợi ý cho mẹ các câu hỏi như sau:

  • Tôi có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 trong không gian này không? Có ai khác đã nhiễm COVID-19 ở đây không?

  • Có đủ quần áo bảo hộ cho các nhân viên y tế không?

  • Tôi có được phép ở cùng người thân lúc sinh không? Nếu không, tại sao không?

  • Tôi có được ở cùng con sau khi sinh không? Nếu không, tại sao không?

  • Tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ không? Nếu không, tại sao không?

  • Tôi được phép sinh thường hay sinh mổ?

Nên mang theo những gì khi đi sinh ở bệnh viện?

Thông thường, bệnh viện đã chuẩn bị kĩ càng các thiết bị cũng như đồ dùng cần thiết nên mẹ bầu không cần quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, gia đình vẫn nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa cẩn thận.

Tùy vào tình hình của từng khu vực, từng bệnh viện, và thể trạng của từng mẹ mà bác sĩ sẽ có thể có tư vấn phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, chẳng hạn như xuất viện nhanh hơn bình thường nếu mẹ tròn con vuông.

Sau khi sinh, tôi có thể làm gì để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm COVID-19?

Điều tốt nhất mẹ có thể làm là giữ cho bé một không gian an toàn chỉ với gia đình, hạn chế khách đến thăm. Đây cũng là cơ hội để bố mẹ và người thân dành thời gian gắn kết với nhau, đặc biệt là với thành viên mới.

Tôi nên làm gì để giữ an toàn cho bản thân trong đợt bùng phát dịch COVID-19?

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai không có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn nhóm đối tượng khác. Tuy vậy, ở những tháng cuối thai kỳ, cơ thể và hệ miễn dịch có những thay đổi nên mẹ bầu có thể bị ảnh hưởng bởi một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, mẹ nên hết sức đề phòng. Một số biện pháp giãn cách:

  • Tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng của COVID-19.

  • Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

  • Làm việc tại nhà (nếu có thể).

  • Hạn chế tụ tập trong không gian công cộng, đặc biệt là trong không gian nhỏ và kín, kể cả với với bạn bè và gia đình.

  • Sử dụng điện thoại, nhắn tin hoặc dịch vụ trực tuyến để liên hệ với bác sĩ, hộ sinh, hay các dịch vụ thiết yếu khác.

  • Các biện pháp bảo vệ bổ sung bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường chạm vào ở nhà, tự theo dõi bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào phù hợp với COVID-19 và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời khi cần thiết.

Tôi có thể cho con bú an toàn không?

Việc lây truyền COVID-19 (vi-rút có thể gây nhiễm trùng) qua sữa mẹ và cho con bú cho đến nay vẫn chưa được phát hiện. Vì thế, mẹ hoàn toàn có thể tiếp tục cho con bú an toàn. Đây là điều tốt nhất mà mẹ có thể dành cho con những năm tháng đầu đời.

Nếu mẹ nghi ngờ mình có thể nhiễm COVID-19, hãy liên hệ và thực hiện ngay các biện pháp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các mẹ đủ điều kiện cho con bú cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc cũng như làm sạch/khử trùng các bề mặt cũng như dụng cụ cho con bú.

Phòng ngừa chính là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại. Đọc và nghe thêm podcast từ Matida để tìm hiểu thêm các thông tin khác về thai kỳ.

Previous
Previous

Bệnh tay, chân, miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Next
Next

Top 5 bệnh viện sản phụ khoa tốt nhất tại Hà Nội